Đừng để được 1 mất 3

Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 12/10/2015

(HNM) - Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương, đa số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước) chưa gắn sản xuất - kinh doanh với bảo vệ môi trường hoặc chỉ thực hiện qua loa, đối phó.


Vậy đâu là nguyên nhân? Thực tế, Việt Nam có hơn 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, song vẫn còn nhiều lỗ hổng và việc xử lý vi phạm không phải lúc nào cũng thực sự nghiêm túc, dẫn đến doanh nghiệp có thể lách luật. Tuy nhiên, nguyên nhân chính nằm ở chỗ nhận thức của chủ doanh nghiệp. Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp thẳng tay cắt giảm chi phí, kể cả chi phí liên quan đến môi trường. Ngay khi vấn đề nhận thức được giải quyết, nhiều doanh nghiệp lại vướng rào cản về nguồn lực.

Để khai thác hiệu quả, sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, xử lý triệt để chất thải, doanh nghiệp cần hệ thống máy móc hiện đại, đi kèm nhân lực đủ khả năng quản lý, vận hành. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực kỹ thuật, tài chính để triển khai sản xuất sạch, chưa bàn đến nguồn lực đầu tư cải tạo môi trường cảnh quan xung quanh.

Các chuyên gia tính toán, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm, suy thoái môi trường rất lớn. Ước tính, nếu GDP trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể lớn gấp 3 lần GDP. Ngay bây giờ, cần phải có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất sạch; đồng thời cần có chế tài mạnh và tăng cường kiểm tra, giám sát buộc doanh nghiệp phải tuân thủ quy định và có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đồng thời có chính sách ưu đãi để phát triển ngành kinh tế hỗ trợ, giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường...

Kính Lúp