Bài 15: Tạo động lực phát triển và kết nối

Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 12/10/2015

(HNM) - Quy hoạch, xây dựng giao thông có nhiệm vụ đi trước mở đường, kết nối các vùng miền, tạo đà phát triển KT-XH, rút ngắn khoảng cách về địa lý, đời sống văn hóa…

Rút ngắn khoảng cách nông thôn và đô thị

Cách đây 7 năm, trong chuyến công tác tại xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ), cán bộ xã dẫn tôi ra cây cầu phao ọp ẹp cuối làng và nói: Chỉ vài chục bước chân qua con sông, là đất của xã Viên An (huyện Ứng Hòa). Thế mà bao năm, người dân 2 xã vẫn sử dụng cây cầu được ghép bằng những thùng phuy, mảnh gỗ… Tôi phải bám thật chắc vào lan can cầu làm tạm bằng tre, để dò dẫm sang sông. Anh cán bộ xã kể, có lần học sinh đi học bị trượt chân ngã, may mà cứu kịp. Khi mưa lũ về, nước lên cao, chẳng ai dám qua sông. Bây giờ về với Thủ đô, là người Hà Nội, mong lắm được thành phố giúp cho một cây cầu. Sau chừng một năm, tôi lại về Hòa Chính, nhưng không phải để tìm hiểu về những khó khăn của địa phương, mà để dự lễ khởi công xây dựng cầu Hòa Viên, bắc qua Sông Đáy, nối liền Hòa Chính với Viên An…

Nhà ga T2, cửa ngõ kết nối quốc tế của Hà Nội và vùng Thủ đô. Ảnh: Vũ Long


Tình cảnh của người dân Hòa Chính cũng là tình cảnh chung ở nhiều xã thuộc địa bàn khó khăn của Hà Nội. Theo thống kê của Sở GT-VT, toàn thành phố có hơn 50 cây cầu yếu. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí và giải phóng mặt bằng, song trong 5 năm qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo khẩn trương kiểm định, lên phương án đầu tư, cải tạo, xây dựng mới nhằm giải quyết bức xúc cho người dân. Đến nay, đã có 14 dự án cải tạo, thay thế cầu yếu được hoàn thành và đưa vào sử dụng, như Cầu Giẽ, cầu Phương Trạch, cầu Yến Vĩ, cầu Đồng Dài, Cầu Đăm, Cầu Am, Cầu Muỗi, Cầu Trôi, cầu Thuần Lương, cầu Yên Trình…

Cùng với cải tạo, thay thế cầu yếu, thành phố đã dành nguồn lực đáng kể để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường trục chính của các huyện kết nối với tỉnh lộ, nhiều tuyến đường liên huyện đã hoàn thành, đưa vào khai thác, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, như đường tỉnh 429B (Cầu Lão - Ba Thá cũ); tuyến tránh Cầu Định đường tỉnh 427; đường tỉnh 417; đường phía Nam nối từ Đường 35 vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; đường tỉnh 414 từ Sơn Tây đến Khu di tích K9… Không chỉ rút ngắn khoảng cách, những con đường, cây cầu mới còn đóng vai trò quan trọng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.

Để Hà Nội gần hơn với bạn bè

Giai đoạn 2011-2015, diện mạo giao thông Hà Nội đã có những thay đổi vượt bậc, xứng đáng với tầm vóc, vị thế cũng như đòi hỏi của một Thủ đô đang trên đà phát triển. Nhà ga T1 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài quá tải, Chính phủ, Bộ GT-VT đã đầu tư xây dựng Nhà ga T2. Hà Nội đã tích cực, chủ động làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và bảo đảm an ninh trật tự… giúp các đơn vị chủ đầu tư của Bộ GT-VT đẩy nhanh tiến độ thi công. Không còn là một cảng hàng không nhỏ bé, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài giờ đây đã đón được các dòng máy bay cỡ lớn với nhiều dịch vụ có chất lượng ngày càng cao, thực sự trở thành cửa ngõ đối ngoại của Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.

Cùng với Nhà ga T2, TP Hà Nội đã góp sức cùng Bộ GT-VT làm nên cụm công trình cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài (nay là đường Võ Nguyên Giáp), trở thành trục không gian kiến trúc và cảnh quan đặc biệt, biểu tượng mới của Thủ đô. Cầu Nhật Tân, với nhịp cầu chính vượt Sông Hồng dài 1,5km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội, cũng giống như 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân.

Chếch xuống phía dưới là cầu Đông Trù bắc qua Sông Đuống, nằm trong quần thể dự án Đường 5 kéo dài, cũng là một trong những công trình giao thông quan trọng. Với 3 nhịp vòm liên tục, vòm chính giữa ở độ cao 42m, các kỹ sư của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 tự hào đã xây dựng một cây cầu thế kỷ với công nghệ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam và những yêu cầu cực kỳ khắt khe. Giới kỹ sư cầu đường cả nước cũng khẳng định, cầu Đông Trù của Hà Nội chính là đỉnh cao về công nghệ của ngành Cầu đường Việt Nam hiện nay, thậm chí cả trong hàng chục năm tới.

Trước đây, từ Hà Nội đi Thái Nguyên mất chừng 6 giờ chạy xe. Quốc lộ 3 đầy "ổ trâu, ổ gà". Từ Hà Nội đi Lào Cai mất chừng 7 giờ. Có việc lên đến Lào Cai chắc phải ngủ lại, mai về sớm. Bây giờ, Hà Nội - Thái Nguyên chạy cao tốc thời gian rút còn một nửa. Nội Bài - Lào Cai khoảng 3,5 giờ. Xe lướt êm ru, ngủ quên đến lúc nào không biết. Có đường cao tốc, nhiều chuyến xe chở hàng có thể quay vòng ngay trong ngày để tăng lợi nhuận thay vì phải nằm lại chờ như trước đây. Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) quyết định trú chân dài hạn ở Thái Nguyên cũng có phần bởi giao thông thuận lợi và qua đó đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, người Hà Nội lên chơi Sapa nhiều và người từ ngả Lào Cai về Hà Nội làm ăn cũng nhiều. Rồi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sắp hoàn thành, nhiều lắm những ví dụ sinh động về sự phát triển KT-XH của các địa phương nơi dự án đi qua. Mỗi dự án hoàn thành đều trở thành những động lực to lớn cho sự phát triển và kết nối, để Hà Nội gần hơn với bạn bè, và bạn bè cũng trở nên gần hơn với Hà Nội.

Tuấn Lương