Guồng quay đã bắt đầu
Thể thao - Ngày đăng : 07:41, 11/10/2015
Chủ nhà bận rộn
Như chia sẻ của ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Đà Nẵng thì việc thành phố bên Sông Hàn được đăng cai tổ chức tất cả môn thi tại ĐH là một vinh dự lớn. Tất nhiên, để tổ chức tốt ĐH thì cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức ĐH khi sở hữu bãi biển dài, hệ thống giao thông dọc bờ biển hoàn thiện nên dễ sắp xếp địa điểm các môn thi, vừa tiết kiệm được nhiều khoản chi, vừa giúp người hâm mộ tiện theo dõi, Ban tổ chức cũng dễ điều hành. Ngoài ra, hệ thống khách sạn của Đà Nẵng khá phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu ăn, ở của gần 10.000 quan chức, HLV, VĐV… đến từ 45 quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng rất phong phú, giúp các đoàn tham dự ĐH có nhiều lựa chọn giải trí trước, trong và sau giải, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố du lịch Đà Nẵng ra quốc tế.
Hiện tại, Đà Nẵng đã phân vùng, xác định các khách sạn đủ điều kiện để có sự sắp xếp phù hợp đối với các đoàn dự ĐH, đồng thời phối hợp với các lực lượng an ninh trong việc lên phương án bảo vệ chi tiết. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Phúc Linh, Đà Nẵng cũng đã lên kế hoạch truyền thông cho ABG, đưa sự kiện này vào chương trình xúc tiến du lịch Đà Nẵng qua nhiều kênh khác nhau.
Một trong những vấn đề được quan tâm là thời gian tổ chức giải diễn ra vào đầu tháng 10, thời điểm mà thời tiết ở Đà Nẵng bắt đầu có mưa nhiều. Tuy nhiên, đây là điều bất khả kháng do trước đó, vào tháng 8 sẽ diễn ra Olympic 2016 tại Brazil.
Đại diện Ban tổ chức ABG 5 cấp trung ương cho biết, đã lên phương án để tổ chức ĐH trong mọi điều kiện thời tiết. Các phương án dự phòng đã được tính đến, chẳng hạn như với lễ khai mạc và bế mạc, nếu trời mưa thì sẽ được tổ chức tại Cung thể thao Tiên Sơn thay vì ngoài trời.
Đoàn Việt Nam với mục tiêu lọt vào nhóm đầu
Hiện nay, vấn đề được quan tâm trước ĐH là thể thao Việt Nam sẽ chuẩn bị lực lượng ra sao để đạt thành tích tốt nhất khi giữ vai trò chủ nhà. Tại ĐH, các VĐV dự tranh huy chương ở 14 môn với 22 phân môn, trong đó, thể thao Việt Nam sẽ tham dự tất cả các môn thi. Từ nhiều tháng trước, một số đội tuyển đã được tập trung tại Đà Nẵng để chuẩn bị cho ĐH. Sang năm 2016, các đội tuyển khác sẽ được tập trung và được Tổng cục TDTT tạo điều kiện tối đa để có thể đạt thành tích tốt nhất.
Trong chương trình thi đấu của ĐH, xuất hiện một số môn mới đối với các VĐV Việt Nam như rowing biển, võ sambo. Tuy vậy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, Việt Nam có nhiều VĐV có thể chuyển đổi sang các môn thi nói trên và hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Dự tính, các VĐV có thể đoạt HCV ở 12-14 môn. Vì thế, đoàn thể thao Việt Nam đã đặt mục tiêu lọt vào nhóm đầu, từ hạng 1 đến hạng 4 sau khi xếp hạng 5 chung cuộc tại ĐH Thể thao bãi biển năm 2013 ở Thái Lan. Những nhận định trên có thể sẽ thành hiện thực nếu các VĐV nhận được sự đầu tư thích đáng.
Hội đồng Olympic Châu Á đánh giá cao khâu chuẩn bị của Việt Nam Tại Hội nghị điều phối của ĐH Thể thao bãi biển Châu Á (ABG) 5 vừa diễn ra ở TP Đà Nẵng với sự tham dự của Hội đồng Olympic Châu Á (OCA), các đại biểu đã nghe báo cáo tổng hợp liên quan đến công tác điều phối ABG 5 của Ban tổ chức nước chủ nhà Việt Nam và đi khảo sát các địa điểm tập luyện và thi đấu, khách sạn phục vụ ăn, ở cho các đoàn dự ĐH. Phái đoàn OCA đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban tổ chức ABG 5. |