Đông Nam Á ngột ngạt vì mù khô

Thế giới - Ngày đăng : 07:20, 11/10/2015

(HNM) - Tình trạng khói mù ở Indonesia hiện nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm và đang ảnh hưởng lớn đến nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.


Mù khô - hiện tượng ô nhiễm không khí hằng năm do cháy rừng ở Indonesia - bắt đầu từ năm 1997. Nguyên nhân khói mù chủ yếu do tập quán đốt rừng khai phá đất trồng cây cọ dầu ở Indonesia, một nguồn kinh tế quan trọng đối với nước này. Tuy nhiên, mù khô năm nay diễn biến phức tạp và trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino.

Đường phố Palangkaraya ở Indonesia chìm trong khói mù.



Tình trạng này đã kéo dài hai tháng qua, trong bối cảnh các đám cháy rừng ở quốc gia vạn đảo có khả năng sẽ gia tăng trong tháng tới. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Xã hội Indonesia Khofifah Indar Parawansa cho biết, khói mù có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sức khỏe và thu nhập của người dân tại nhiều khu vực của nước này. Khói dày đặc đã phủ kín 6 tỉnh Nam Sumatra, Jambi, Riau, Tây Kalimantan, Trung Kalimantan và Nam Kalimantan. Theo Cơ quan Giảm thiểu thiên tai quốc gia (BNPB), ít nhất 25,6 triệu người hít phải khói mù và hơn 135.000 người Indonesia được cho là nhiễm các bệnh đường hô hấp, trong đó hàng chục nghìn người phải điều trị y tế. Giới chức tỉnh Riau và Trung Kalimantan đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhiều trường học buộc phải đóng cửa và chỉ mở trở lại khi tình hình được cải thiện.

Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Malaysia, người dân tại thủ đô Kuala Lumpur, ba bang lân cận và thành phố Putrajaya phải đeo khẩu trang khi ra đường. Các chuyến bay từ phi trường quốc tế ở thủ đô bị đình trệ do tầm nhìn hạn chế. Chỉ số ô nhiễm không khí (API) ở Malaysia đã lên tới 161, mức "không an toàn cho sức khỏe". Còn tại Singapore, theo Cục Môi trường quốc gia (NEA), chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI) đạt 341 - mức cao nhất kể từ đầu năm 2015 đến nay (PSI lớn hơn 300 là mức nguy hiểm). Hàng loạt trường học bị đóng cửa, nhiều hoạt động của người dân tạm dừng do khói mù. Hiện tượng ô nhiễm không khí do khói mù cũng đã lan tới Thái Lan. Mù khô cũng xuất hiện ở khu vực miền Nam Việt Nam. Tại TP Hồ Chí Minh, lớp khói mù dày đặc bao phủ nhiều tuyến đường và các khu vực nhà cao tầng, ảnh hưởng tới khả năng điều khiển giao thông cũng như đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Theo dự báo, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, khói mù còn gây thiệt hại cho nhiều sự kiện trong khu vực. Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) vừa ra một tuyên bố chung cho biết, nhiều doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á đã mất hàng triệu USD do ảnh hưởng của khói mù. Theo chủ trang trại nông nghiệp Kranji, doanh nghiệp này đã phải hủy bỏ 80% các sự kiện ngoài trời và họ sẽ buộc phải cho thôi việc một số nhân viên nếu tình trạng khói mù kéo dài. Hiện tượng khói bụi dày đặc đang ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực du lịch của Thái Lan vốn bắt đầu vào mùa lễ hội. Lễ hội Ăn chay - một trong những lễ hội du lịch lớn nhất trong năm của Thái Lan sẽ bắt đầu vào ngày 8-10 tại Phuket. Tuy nhiên khói bụi ở thành phố biển này đã lên tới mức 192 microgram/ m3, cao nhất trong số các thành phố bị ảnh hưởng tại Thái Lan, khiến giới chức Phuket rất lo lắng.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi Indonesia phải có hành động nghiêm khắc đối với các công ty vô trách nhiệm gây ra hiện tượng khói mù, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, sức khỏe người dân và cả nền kinh tế nhiều nước trong khu vực. Theo ông, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Malaysia, Indonesia và Singapore để đề ra giải pháp hiệu quả hơn, có thể xem xét ký kết thỏa thuận ba bên về chống khói mù. Nếu không có sự hợp tác đó, vấn đề này sẽ tái diễn hằng năm.

Có thể thấy, Indonesia đang đối mặt với áp lực từ các nước láng giềng trong việc tìm cách giải quyết tình trạng trên. Nhưng vấn đề này đã gặp trở ngại khi diện tích trồng cây công nghiệp mở rộng, đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm trên toàn cầu gia tăng như dầu dừa - một thành phần chủ yếu có trong hầu hết các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày. Chính phủ Indonesia vừa công bố danh sách 240 nghi phạm, gồm các công ty và cá nhân, bị cáo buộc đốt rừng, gây ra các vụ cháy nghiêm trọng và thảm họa khói mù. Nhiều biện pháp mạnh tay cũng đã được Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đưa ra nhưng trước mắt vẫn chưa thể cải thiện được tình trạng nghiêm trọng hiện nay.

Kim Phượng