Triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện việc tang văn minh

Đời sống - Ngày đăng : 07:58, 10/10/2015

(HNM) - Chiều 9-10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội làm việc với UBND TP Hà Nội nhằm thông báo kết quả giám sát và kiến nghị, đề xuất với UBND thành phố sau đợt giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng hệ thống nghĩa trang nhân dân, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ trên địa bàn thành phố.


Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng dự hội nghị.

Đoàn giám sát nhận định, sau khi Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố đã công bố quy hoạch, ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Theo đó, hệ thống nghĩa trang nhân dân, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ theo quy hoạch cấp thành phố, cấp huyện được cập nhật trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết; mạng lưới nghĩa trang cấp xã được lồng ghép trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Công tác đầu tư xây dựng mới, cải tạo, đóng cửa và di chuyển nghĩa trang, nhà tang lễ từng bước được triển khai lồng ghép với dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Dù có cố gắng, song công tác quản lý lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hầu hết nghĩa trang thôn, xã, khu mộ gia đình, dòng họ nằm rải rác ngoài nghĩa trang được hình thành và tồn tại từ nhiều đời theo phong tục tập quán mỗi địa phương, trong khi các văn bản quản lý, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng mới được ban hành. Quy định về đầu tư, quản lý hệ thống nghĩa trang nhân dân, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ chưa đồng bộ; công tác GPMB một số nghĩa trang cấp thành phố chậm; nhiều nhà tang lễ gần các trường học, khu dân cư làm ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ranh giới không rõ ràng, môi trường chưa bảo đảm, nhất là mô hình quản lý không thống nhất, giá dịch vụ mỗi nơi một khác, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đoàn chỉ rõ nguyên nhân chủ quan của tình trạng này chính là nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của công tác xây dựng và quản lý nghĩa trang trong phát triển kinh tế - xã hội chưa đầy đủ. Việc đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách đã được phân cấp nhưng ít được quan tâm, công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, quản lý nhà nước về lĩnh vực này khó, còn lỏng lẻo, nhiều ngành quản lý dẫn đến bất cập... Khắc phục tình trạng này, tới đây UBND TP Hà Nội sẽ giao các sở, ngành tham mưu xây dựng cơ chế quản lý, khung giá dịch vụ trình HĐND quyết định để áp dụng đồng bộ. Trong đó, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính đề xuất tăng phân bổ ngân sách cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện việc quản lý nghĩa trang gắn với kinh phí sắp xếp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. UBND thành phố sẽ đẩy nhanh xây dựng nghĩa trang tập trung.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, giải quyết vấn đề nghĩa trang không chỉ ngày một, ngày hai, cần kiên trì, bền bỉ vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện. Thành phố quyết tâm đến năm 2020 sẽ hình thành nghĩa trang tập trung của thành phố và cấp huyện. Trước mắt, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành chức năng sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nghĩa trang, nhất là công tác bảo đảm VSMT...

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc đầu tư, quản lý, thực hiện tang văn minh. Bên cạnh việc tổ chức quy hoạch và triển khai quy hoạch nghĩa trang thì cũng cần dự toán kinh phí hằng năm theo quy hoạch, lộ trình di dời. Đặc biệt, UBND thành phố cần phân công, phân cấp quản lý, đầu tư về lĩnh vực nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ cho rõ vai, rõ đơn vị chủ trì; tiếp tục xây dựng và công khai cơ chế xã hội hóa nghĩa trang, đồng thời ban hành cơ chế đặc thù quản lý nghĩa trang nhân dân.

Việt Tuấn