Ông Trương Đình Tuyển: “Chúng ta sống cảm xúc quá nhiều với TPP”
Kinh tế - Ngày đăng : 20:34, 09/10/2015
Có mặt tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về kết thúc đàm phán Hiệp định TPP do Bộ Công thương tổ chức chiều 9/10, ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp cho đoàn Việt Nam đàm phán TPP, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, người có đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, cho rằng, gia nhập TPP, chúng ta có nhiều cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Tuy nhiên, cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự tự biến thành sức mạnh của thị trường được.
Theo ông, thách thức là sức ép trực tiếp nhưng sức ép đến đâu còn phục thuộc vào khả năng phản ứng của chúng ta. Khi chịu sức ép cạnh tranh lớn, doanh nghiệp phải vươn lên để trưởng thành hơn hoặc doanh nghiệp có thể sẽ chết nhưng bộ máy Nhà nước thì không thể trì trệ.
Ông Trương Đình Tuyển (nguồn: Internet) |
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, những ngày qua, có nhiều công bố số liệu xuất khẩu tăng bao nhiêu, GDP tăng mức nào khi Việt Nam gia nhập TPP. "Nói như vậy không sai nhưng chưa phản ánh được biến động trên thị trường thế giới, chưa phản ánh được thái độ Chính phủ như thế nào," ông Tuyển nhấn mạnh.
Ông thấy, kể từ khi kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, chúng ta sống trong cảm xúc quá nhiều. Giống như khi gia nhập WTO, đã tạo ra một trào lưu cảm xúc, tổ chức cả một cuộc đi bộ để ăn mừng. Vì vậy, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại cho rằng chúng ta cần bình tĩnh lại, không nên sống quá nhiều vào cảm xúc.
Cũng tại buổi gặp mặt báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Riêng về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025 . Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể.
Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới. Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.
Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.