Họa sắc Hồ Gươm
Văn hóa - Ngày đăng : 06:46, 09/10/2015
Tới triển lãm của nhà báo Hà Hồng, người xem có thể băn khoăn một chút khi biết anh là nhà báo chuyên viết, giờ lại mở triển lãm ảnh, mà lại là ảnh về Hồ Gươm, dạng đề tài vốn đã được rất nhiều tay máy chuyên nghiệp khai thác với hàng triệu bức ảnh được công bố. Làm sao để tạo ra sự khác biệt?
Tác phẩm “Một sớm Hồ Gươm”. |
Nhưng khi xem "Sắc màu Hồ Gươm", triển lãm mở tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ), người xem sẽ có một suy nghĩ khác, ít nhất là về khả năng thành công đối với một đề tài tưởng như không còn gì thú vị để khai thác.
Triển lãm chỉ có 12 tác phẩm, đó là sự ngạc nhiên lớn bởi nhiều người đã biết Hà Hồng qua trang web về hồ Hoàn Kiếm của anh, nơi đã đăng tải hàng nghìn bức về Hồ Gươm, còn trong kho ảnh của anh, "nhân vật" Hồ Gươm xuất hiện qua hàng chục nghìn tấm ảnh. Cho ra mắt một lượng ít ỏi trong triển lãm đầu tiên, hẳn Hà Hồng phải có nhiều dụng ý. Anh khẳng định: "Ít nhưng mà chất, để cảm thụ hết những bức ảnh đó thì cũng tốn kha khá thời gian đấy".
Đem lời gợi ý của Hà Hồng bước vào gian trưng bày ở tầng một, với 5 bức ảnh mà mỗi bức lại chứa đựng những câu chuyện, những khoảnh khắc, những suy nghĩ thật thú vị. "Chữ xuân trong tiết xuân Hồ Gươm" - bức ảnh đúng như tên, là sự kết hợp của nhành cây xòa bóng với hình tháp Rùa, tạo thành chữ "Xuân" trong tiếng Hán, như tác giả cho biết là anh đã chụp bức ảnh này vào mùa xuân năm 2014. Chiều sâu ẩn chứa trong một bức ảnh đủ khiến người xem tâm đắc. "Khúc biến tấu" thể hiện bóng lá in trên sắc xanh biếc của mặt hồ mà qua đó người xem có thể tưởng tượng đủ điều: khuôn mặt người, cô gái Châu Phi, "cụ Rùa" đang bơi… "Thu vấn vương", "Xuân hồng", "Muồng hoàng yến khoe sắc bên hồ" đều là những đóa hoa đẹp, tô điểm và gợi nhớ về không gian linh thiêng của Thủ đô.
Những gì được trưng bày ở tầng hai lại đưa người xem vào một thế giới panorama, mở rộng tầm nhìn của họ. "Lộc vừng mùa thay lá" là một cuộc hợp sắc đủ cung bậc trên mặt hồ tĩnh như gương. "Chiều vàng" khiến người xem như lạc bước vào không gian Châu Âu. "Cây đa cổ thụ trong khuôn viên Báo Nhân Dân" nằm bên bờ hồ, toát lên vẻ cổ kính, thâm trầm. Đáng chú ý là bộ ảnh thể hiện ý tưởng về Thăng Long - Rồng bay, về Hồ Gươm gắn với lịch sử Thăng Long - Hà Nội, gồm bức "Rồng chầu - 1000 năm", "Mây vẩy rồng" và "Rồng trên mặt nước Hồ Gươm". Với bộ ảnh này, NSNA Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội nhận định rằng: "Chứa đựng cái nhìn và tư duy ảnh đến độ ngấu, lại có cơ duyên mới có thể "đãi" được khoảnh khắc tuyệt vời, hơn cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp". Ngay cả tấm phông chọn giới thiệu về triển lãm này cũng là một bức ảnh đặc sắc của Hà Hồng, về hoa lộc vừng rụng đỏ trên mặt hồ, nhưng tài tình thay, chúng xếp thành hình như bản đồ Việt Nam vậy... Qua mỗi bức ảnh của Hà Hồng, người xem có cảm giác như chiêm ngưỡng một bức họa, với màu sắc tưởng hữu ý mà hoàn toàn tự nhiên, với tầng tầng tư duy được nén đầy trong khuôn hình.
Hà Hồng tự nhận mình "hơi khùng", yêu đắm đuối và cần mẫn với Hồ Gươm suốt bao nhiêu năm qua. Anh tâm sự thật, rằng rất ghen với ai yêu và biết nhiều về Hồ Gươm hơn mình, hoặc chụp ảnh về Hồ Gươm đẹp hơn mình. Cái sự ghen ấy không phải để ghét người ta, mà thôi thúc anh tìm tòi, khám phá sâu hơn, say sưa hơn với những cuộc săn lùng khoảnh khắc, góc máy "độc nhất vô nhị" về Hồ Gươm, tham lam tìm hiểu kiến thức từ cổ chí kim về "trái tim của Thủ đô".
Triển lãm "Sắc màu Hồ Gươm" mở đến hết ngày 19-10.