Không để chính sách đãi ngộ tài năng nằm trên bàn giấy
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 09/10/2015
Tuy nhiên, với nhiều người, nếu Quang Liêm tiếp tục nối gót Hoàng Thanh Trang (một tài năng của cờ vua Việt Nam hiện đang thi đấu cho Hungary và đoạt chức vô địch Châu Âu năm 2013) thì đó không phải là một bất ngờ. Thay vào đó là một nỗi buồn vì những chuyện "biết rồi, khổ lắm" như chính sách đào tạo, hỗ trợ các tài năng đã quá lạc hậu, để rồi nhiều nhân tài đã phải ra đi với màu áo khác.
Việt Nam có nhiều tài năng trên nhiều lĩnh vực, năm nào học sinh Việt Nam cũng đoạt giải cao trong các kỳ thi kiến thức ở cấp độ châu lục, thế giới. Nhưng rất đông trong số này khi học xong đại học, nghiên cứu sinh lại lựa chọn định cư hoặc công tác ở nước ngoài. Rõ nhất là các quán quân cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" hiện đều đang học tập, làm việc ở các quốc gia phát triển. Ngoài vấn đề thu nhập, một lý do chung nhất để các tài năng lựa chọn con đường "ra đi" chính là… môi trường cống hiến. Có tư duy khoa học, có khát vọng cống hiến nhưng nếu không được "tắm mình" trong một môi trường có thể phát huy được tài năng thì những người trẻ có xu hướng "vọng ngoại" là khó tránh khỏi.
Trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gần 70 nhà khoa học trẻ diễn ra ngày 11-9 vừa qua, các tài năng trẻ đã mạnh dạn đề cập tới những bất cập trong chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà khoa học trẻ hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo môi trường để họ được cống hiến, phát triển. Họ kiến nghị cần loại bỏ cơ chế cào bằng trong trọng dụng tài năng. TS Phạm Phương Chi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nói: "Chúng tôi mong muốn được chịu trách nhiệm với bất kỳ nhiệm vụ khoa học nào, không phải dựa trên cơ cấu đưa vào vì tỷ lệ cân bằng giới. Hãy nhìn vào những việc chúng tôi làm, những thành quả chúng tôi đạt được, thay vì xem chúng tôi là nam hay nữ, đẹp hay xấu, truyền thống gia đình ra sao…". Những kiến nghị đó rất đáng để suy nghĩ.
Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác hiện đang đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám, đặc biệt là tài năng trẻ trên tất cả các lĩnh vực. Như nhiều người vẫn gọi thì đây là hiện tượng "thiếu rừng thì hổ sẽ đi". Tuy nhiên, rất nhiều nước đã khắc phục vấn đề này, đặc biệt là thông qua các mạng lưới tập hợp tinh hoa của những người con xa xứ với những người trong nước. Điều đó sẽ xóa nhòa ranh giới tri thức, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức như hiện nay.
Trở lại câu chuyện của Lê Quang Liêm, dù Đại kiện tướng cờ vua có tiếp tục khoác áo tuyển Việt Nam trong những giải đấu sắp tới hay không thì một điều chắc chắn cần phải thay đổi, đó là làm sao để chính sách đãi ngộ tài năng đi vào cuộc sống, trở thành động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy khát vọng cống hiến của những người trẻ!