Rộng cửa "đón" FDI

Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 09/10/2015

(HNM) - Hiện dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có xu hướng


Vốn FDI tăng mạnh

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 21-9, thành phố có 404 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, cùng 108 dự án được điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký đạt 3 tỷ USD, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Dự kiến, cả năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 5.684 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn lên tới trên 38,8 tỷ USD.


Các tỉnh phía Nam đang thu hút mạnh dòng vốn FDI.


Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai trong 9 tháng đầu năm đã thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI (kế hoạch 1 tỷ USD), cao nhất trong 5 năm qua. Tại Bình Dương, dòng vốn FDI cũng tăng mạnh, đạt hơn 1,5 tỷ USD (kế hoạch 1 tỷ USD). Theo các chuyên gia, kết quả phân tích hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI vào từng ngành nghề cho thấy, lĩnh vực sản xuất thu hút nhiều vốn FDI nhất, trong đó, dệt may và công nghiệp hỗ trợ dẫn đầu.

Điểm tựa TPP

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dòng vốn FDI thường đổ vào các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và xu hướng này sẽ tăng mạnh do Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời, "tinh thần" sản xuất - kinh doanh của các địa phương này vượt trội so với các khu vực khác.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang triển khai các công đoạn để xây dựng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 với diện tích toàn khu lên tới hơn 260ha. Mới đây, thành phố cũng đã công bố kế hoạch mở rộng 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.000ha để đón đầu cơ hội đầu tư từ ngành dệt may, dịch vụ và các ngành chế biến thực phẩm. Theo các chuyên gia, cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng sẽ rộng cửa đón các dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả trong khối và ngoài khối TPP. So với các tỉnh, thành khác, TP Hồ Chí Minh còn có lợi thế hơn hẳn về công nghiệp hỗ trợ để thu hút dòng vốn ngoại. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng để sản xuất các mặt hàng có giá trị cao: "Về điều này, các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được nền tảng cơ bản như có sẵn chuỗi các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để có thể thu hút ngay từ bây giờ dòng vốn đầu tư nước ngoài".

Một điểm đáng chú ý là hiện các nhà đầu tư đến từ Anh đang dần trở thành các nhà đầu tư lớn tại TP Hồ Chí Minh, vượt qua cả Hàn Quốc. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với việc Việt Nam chính thức là thành viên TPP, các nhà đầu tư đến từ Châu Âu nhận ra rằng, thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam đã sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn và được nhiều nước công nhận. "Rõ ràng, TPP là điểm tựa giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư cả nội khối và ngoại khối TPP", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Nguyễn Lê