Vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai
Xã hội - Ngày đăng : 09:21, 08/10/2015
Bán tín bán nghi trước thông tin lươn “uống” thuốc tránh thai, chúng tôi đã hỏi một dược sĩ chuyên khoa I và một giáo sư, tiến sĩ nông học, cả hai đều cho rằng đó là chuyện hoang đường.
Bởi vậy, chúng tôi sững người khi được chủ một trại nuôi lươn ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) hồn nhiên hướng dẫn một cách tường tận cách cho lươn ăn thuốc tránh thai của người để tăng năng suất.
Bể nuôi lươn bằng “công nghệ” thuốc tránh thai của ông TND (Hưng Nguyên). |
Thuốc của người dùng cho cả lợn...
Ông T.N.D ở xã H.T (huyện Hưng Nguyên) được cho là một mô hình nuôi lươn trong bể không bùn đạt hiệu quả cao. Tháng 6.2014, ông D mua 1 tạ lươn giống của dân bắt từ ruộng (bằng cách đặt trúm - tức ống lươn). Lươn nuôi trong hai bể bêtông, sau 6 tháng, bán được gần 3 tạ, thu xấp xỉ 50 triệu đồng. Ông D phát triển thêm 3 bể nuôi lươn. Mới đây, chúng tôi được một người dân dẫn vào xem trang trại của ông D. Trại nuôi lợn, gà vịt, lươn... của ông D nằm ở giữa cánh đồng, cách khá xa khu dân cư, song người dân phản ánh mùi hôi thối vẫn “tấn công” xóm làng theo từng cơn gió.
Trong căn nhà nhỏ, có mấy cái bể bằng gạch xây liền nhau, mỗi bể chừng hơn chục mét vuông, bên dưới lót bạt nhựa, xâm xấp nước. Ông D. lội xuống bể, dỡ mấy tấm đan bằng tre, trên có mấy búi dây nhựa, thấy bầy lươn nhỏ lúc nhúc bám vào. “Lươn tôi mới mua của dân bắt từ ruộng, giá vài chục ngàn/kg, phải nuôi lớn bằng cái “típ” phi 27 thì xuất, trong khoảng 8 tháng”, ông D cho biết. Tôi hỏi: “Trong khi nuôi có dùng thuốc gì không?”. Ông D trả lời: “Thuốc tránh thai”. Tôi ngạc nhiên: “Thuốc tránh thai của người sao dùng được cho lươn?”. “Thuốc của người dùng cho lợn cũng được nữa là. Cứ xay nhỏ trộn vào thức ăn cho lươn, khoảng vài lần để hạn chế sinh sản, mau lớn”.
Hỏi tên thuốc gì, mua ở đâu, ông D bảo không nhớ tên thuốc, nhưng mua thì tại trạm y tế xã. Thấy chúng tôi sợ thịt lươn nhiễm độc, ông D trấn an: “Một chu kỳ nuôi cho ăn một vài lần thôi, chứ phải ăn liên tục mô”. Rồi ông hồ hởi khoe: “Thuần lươn giống rất khó. Chỗ tôi làm được bao nhiêu, người ta lấy hết bấy nhiêu. Không chỉ dân mà cả bộ đội cũng về lấy. Vừa hết. Một bể này là hai tạ, bán được 36 triệu”. Lươn xuất cho các đầu nậu để bán vào các nhà hàng trong Nam ngoài Bắc, càng to càng có giá.
Thông tin dân nuôi lươn bằng thuốc tránh thai của người được kỹ sư Trần Trung Thành - Trưởng Phòng Kỹ thuật khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An)xác nhận: “Tôi đi làm việc tại các mô hình ở Yên Thành, thấy nhiều vỏ vỉ thuốc tránh thai tại các trang trại nuôi lươn, biết chắc là người dân có sử dụng, trộn vào thức ăn cho lươn”. Về nguyên nhân, kỹ sư Thành giải thích: “Lươn là loài lưỡng tính, lươn đực nhanh lớn hơn lươn cái, nên người dân dùng thuốc tránh thai để ức chế quá trình lươn biến thành lươn cái”.
Kỹ sư Thành cho biết thuốc tránh thai là chất cấm sử dụng trong quá trình nuôi lươn, vì sẽ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng tôi đã khuyến cáo nhiều lần, nhưng bà con có chấp hành hay không thì không kiểm soát được” - kỹ sư Thành nói.
Thịt lươn... “tẩm” kháng sinh, tăng trọng
Trong vai những người đi tìm hiểu mô hình nuôi lươn, chúng tôi được người dân giới thiệu đến nhà ông Hồ Văn Lương, xóm 9, xã Lý Thành (huyện Yên Thành). Anh Trung, con trai ông Lương dẫn chúng tôi vào xem các bể nuôi lươn theo mô hình không bùn. Có khoảng chục bể xây bằng gạch, bên trong lươn được nuôi với mật độ khá cao. Tương tự hộ ông D ở Hưng Nguyên, lươn ở đây cũng được nuôi bằng cách mua con giống bắt từ ruộng, sau đó cho ăn thức ăn chế biến sẵn từ cá, ốc. Nước được hút từ cái hồ gần đó, yêu cầu phải thay thường xuyên.
“Nuôi lươn không đơn giản đâu, nhiều người cũng về đây học hỏi, xây bể nhưng sau đó phải bỏ”, anh Trung nói.
Theo anh Trung con lươn rất dễ bị bệnh, gồm nhiều loại bệnh phức tạp như lở loét, tiêu hóa, đỏ đít, rồi bị gan, đen một vùng trước bụng... Để phòng chữa bệnh cho lươn, anh Trung phải nhập thuốc từ Đà Nẵng về, gồm rất nhiều loại như thuốc sát trùng, thuốc kháng sinh... Thuốc được pha, tạt vào nước trước hoặc sau khi thay bể, hoặc trộn vào thức ăn cho lươn như thuốc tiêu hóa.
Anh Trung bê ra một thùng carton lớn trong đó có nhiều loại thuốc sát trùng, kháng sinh ghi bằng tiếng Việt. “Những loại này đều được phép, không độc, giống như thuốc sát trùng hoặc thuốc tiêu hóa vậy thôi”, anh Trung trấn an.
Kỹ sư Phan Thị Tư Lan (Trạm Khuyến nông huyện Yên Thành) cho biết, có một số mô hình nuôi lươn tại các xã Thọ Thành, Đô Thành, Lý Thành... năng suất bình quân 40kg/m2 (bể) và nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ khác. Lươn nuôi được xuất qua thương lái đi các địa phương như Vinh, Hà Nội...
“Lươn bị bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Những mô hình của trung tâm quản lý thì không sử dụng kháng sinh một tháng trước khi xuất bán. Nhưng hộ dân nuôi nhỏ lẻ thì khó kiểm soát” - bà Lan cho hay.
Về chuyện cho lươn uống thuốc tránh thai của người, bà Lan cho rằng đây là điều có thật, nhưng ở bên Trung Quốc, chứ ở Yên Thành thì không có. Bà Lan cho biết, hiện nay trung tâm chưa có cơ chế kiểm tra dư lượng kháng sinh và hóa chất trong thịt lươn nuôi thành phẩm trước khi bán ra thị trường.
Trong vai một người ở Diễn Châu cần học hỏi kỹ thuật nuôi lươn để sao cho “nhanh lớn, mau thu hồi vốn”, chúng tôi được ông N.V.C ở xã Mỹ Thành (Yên Thành) nhiệt tình “tư vấn”: “Phải chọn được giống tốt, giống trong nước hiện nay không có lời, anh đang đặt một tạ lươn giống từ Campuchia, chuyển về bằng máy bay. Thức ăn cho lươn xay từ cá, trộn với 30% cám công nghiệp. Nhưng để lươn nhanh lớn hơn nữa thì phải có một loại thuốc kích thích đặc biệt, phải mua ở nơi khác”. Ông N.V.C hứa hôm sau gặp trực tiếp sẽ chỉ cho nơi mua và cách sử dụng loại thuốc kích thích “đặc biệt” này.
Bấp bênh thương hiệu lươn xứ Nghệ
Theo kỹ sư Trần Trung Thành, nghề nuôi lươn ở Nghệ An bắt đầu từ khoảng năm 2005, hiện nay các địa phương có nghề này gồm Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, nhiều nhất ở Yên Thành và có một ít ở Đô Lương. Từ nuôi trong bể có bùn, hiện nay lươn được nuôi chủ yếu bằng bể không bùn, nguồn giống đánh bắt từ tự nhiên. Các bể nuôi lươn do người dân tự học hỏi, tự đầu tư vốn để làm, nên chưa kiểm đếm được con số, sản lượng cụ thể.
“Theo Thông tư 15/2009/TTBNN ngày 17.3.2009 của Bộ NNPTNT thì trong quá trình nuôi lươn không được sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo điều này, nhưng không có thẩm quyền và chế tài xử phạt nên chỉ dựa vào ý thức tự giác của bà con” - kỹ sư Trần Trung Thành nói.
Khi được hỏi liệu với tính chất tự phát của việc nuôi, mua bán lươn hiện nay, liệu có thể an tâm với chất lượng của thịt lươn nuôi, kỹ sư Thành trả lời: “Khi người dân sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh, chắc chắn chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện nay chúng ta chưa quản lý được chất lượng đầu ra của con lươn”. Với thực trạng này, thương hiệu lươn xứ Nghệ vốn đã nổi tiếng từ lâu sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.
“Thương hiệu lươn xứ Nghệ cần được xây dựng một cách bài bản, dựa trên sự trung thực và công nghệ tiên tiến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chứ nếu để tình trạng này kéo dài, chắc chắn thương hiệu lươn xứ Nghệ sẽ bị ảnh hưởng. Nếu muốn xuất khẩu thì phải có công nghệ nuôi sạch” - kỹ sư Thành không khỏi lo lắng.