Mạnh tay xử lý nợ xấu

Tài chính - Ngày đăng : 07:07, 07/10/2015

(HNM) - Để làm lành mạnh hóa các giao dịch dân sự, giúp các ngân hàng có thể mạnh tay xử lý nợ xấu, các bộ, ngành đang xây dựng chế tài trách nhiệm nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng không trả được nợ theo hướng rõ ràng, đơn giản và nhanh chóng.


Vướng vì quy định

Gần đây, việc nới lỏng chính sách tín dụng khiến các ngân hàng mạnh tay khơi thông nguồn vốn cho vay đầu tư sản xuất. Số doanh nghiệp (DN), công ty vừa và nhỏ ra đời đang có xu hướng tăng. Chỉ trong tháng 8-2015, số DN được thành lập mới là 9.301 với số vốn đăng ký là 55.154 tỷ đồng, tăng 41% về số lượng và tăng 41,9% về số vốn đăng ký so với tháng 7-2015. Tuy nhiên, điều đáng lo là, bên cạnh các con số ấn tượng về DN "mới sinh" thì số đơn vị hoàn tất thủ tục giải thể cùng thời gian trên cũng không ít, với 834 DN, tăng 11,5% so với tháng 7-2015. Số đơn vị gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động chờ đợi cơ hội mới để khôi phục sản xuất là 7.595, tăng 27,9% so với tháng trước, trong đó 1.460 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 6.135 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.



Khi DN gặp khó khăn thì vốn cho vay của ngân hàng cấp cho các DN phần lớn không thể thu hồi được từ nguồn thu sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc xử lý nợ xấu từ tài sản bảo đảm là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách. Đây không chỉ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mỗi ngân hàng mà còn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Thế nhưng, trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ, không ít cơ quan chức năng ở một số địa phương (điển hình là tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản…) không chấp nhận ngân hàng là người được ủy quyền để bán/chuyển nhượng tài sản bảo đảm cho tổ chức/cá nhân khác. Lý do được đưa ra là người được ủy quyền để xử lý tài sản bảo đảm chỉ có thể là cá nhân (người), không thể là tổ chức, bởi vì Khoản 1 Ðiều 143 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự" và Khoản 1 Ðiều 139 Bộ luật Dân sự 2005 cũng quy định: "Ðại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện". Chưa kể, các văn bản pháp luật về lĩnh vực đất đai, nhà ở đang có độ vênh về phương thức xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân

Lấp những lỗ hổng trên, tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới nhất, cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm được nêu rõ từ việc trao cho bên nhận bảo đảm quyền chủ động lớn hơn trong việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu quan điểm, không phải nước nào cũng áp dụng cơ chế này. Với chủ trương ban soạn thảo đề xuất, một số ý kiến cho rằng, việc trao quyền chủ động lớn hơn cho bên nhận bảo đảm, nhưng các điều kiện để bên nhận bảo đảm thực hiện quyền này lại thiếu cụ thể và rõ ràng, có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng, xâm hại đến nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu đã được Hiến pháp ghi nhận, không nên bổ sung quy định này trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam cho rằng, chỉ trong trường hợp các bên có thỏa thuận về cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm thì thực hiện theo thỏa thuận đó, xảy ra tranh chấp tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thế nhưng trên thực tế, đây không phải là chế tài mới. Tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 về giao dịch bảo đảm đã có quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Các tổ chức tín dụng là cơ quan áp dụng nhiều trường hợp cả khi xem xét cho vay vốn. Mở rộng ra, đây là vấn đề thiết thân đối với tất cả những người dân trong giao dịch mua bán, cầm cố.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nhận định, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nêu rõ: Bên nhận bảo đảm được quyền khởi kiện tại tòa án theo thủ tục rút gọn hoặc tự mình thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm hoặc người thứ ba đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm để xử lý. Việc tự mình thu giữ tài sản bảo đảm phải có đủ các điều kiện như: Có thỏa thuận bằng văn bản về việc bên nhận bảo đảm được quyền tự mình thu giữ tài sản bảo đảm; hết thời hạn xác định trong văn bản thông báo quy định mà bên bảo đảm không giao tài sản bảo đảm; đã thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi có tài sản bảo đảm về việc tự mình thu giữ tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên. Chính vì vậy, có thể coi đây là những bổ sung rất quan trọng và chặt chẽ, phù hợp với xu thế thời đại, tạo cơ hội để thúc đẩy các hoạt động kinh tế, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân trong các giao dịch dân sự.

Hải Hà