Vì những đứa trẻ phi thường
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:56, 07/10/2015
Đồng hành cùng trẻ chậm phát triển
Sau những lần đi tình nguyện tại Bệnh viện Châm cứu trung ương, Nguyễn Minh Hằng (cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương) đã chứng kiến không ít sự thiệt thòi của những trẻ em không may mắc căn bệnh bại não, tự kỉ. Mỗi năm các em phải điều trị 6 đợt, mỗi đợt kéo dài đến 1,5 tháng, không có cơ hội thụ hưởng những nhu cầu cơ bản nhất như đi học và vui chơi như bạn bè đồng lứa. Những trẻ sinh ra ở các vùng quê xa xôi lại càng thiệt thòi. Yêu thương và mong muốn được sẻ chia, tháng 1-2015, Hằng và một số bạn bè đã triển khai dự án "The Marvelous Children - Những đứa trẻ phi thường" dưới bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững Việt Nam (CSDS VN) - một tổ chức phi lợi nhuận, đăng ký hoạt động tại Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ. Thành viên dự án khoảng 20 người, là những sinh viên đang theo học tại nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Lý giải thêm về ý tưởng dự án, Bùi Thị Huyền - sinh viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, tại Việt Nam, chưa có một kênh thông tin để chia sẻ kiến thức và kết nối tất cả bậc cha mẹ có con mắc những căn bệnh này. Khi đến khảo sát tại bệnh viện, nhóm được nghe nhiều câu chuyện về cha mẹ bỏ rơi chính những đứa con của mình vì cách nhìn bi quan về khuyết tật cũng như cơ hội phát triển của các em; nhiều em chậm phát triển vẫn có thể trở thành nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên… Chính điều đó đã thôi thúc Huyền và bạn bè đến với công việc thiện nguyện này dù cho không ít khó khăn về... thủ tục.
Nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Bệnh viện Y học Cổ truyền trung ương, nhóm tình nguyện thu dọn một khoảng hành lang làm địa điểm vui chơi, dạy học cho các em vì viện không có phòng trống. Ban đầu, nhóm tình nguyện dạy các bệnh nhi tập hát, tập vẽ, chơi trò chơi. Sau đó là trang bị kiến thức, khích lệ các bậc phụ huynh quan tâm và tin tưởng ở sự phát triển của chính con em mình. Huyền cho hay, nhóm đã khảo sát khá nhiều bệnh viện và chọn bệnh viện này bởi số lượng bệnh nhi bại não, tự kỉ, chậm phát triển ở đây khá đông. Tại bệnh viện này cũng chưa có tổ chức xã hội, tình nguyện nào triển khai dự án giúp đỡ các bệnh nhi thuộc nhóm đối tượng trên.
Cách tiếp cận của nhóm là cung cấp các phương pháp học tập sáng tạo thông qua nghệ thuật, âm nhạc và trò chơi với sự hỗ trợ của các giảng viên. Bên cạnh đó, nhóm còn cung cấp nguồn thông tin căn bản cho các phụ huynh, kết nối, khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm của mình với những phụ huynh khác. Như vậy, cứ đến chiều thứ ba và thứ sáu hằng tuần, các tình nguyện viên của dự án lại mang theo đồ chơi, bút màu, giấy vẽ… đến bệnh viện. Các em nhỏ tại đây được tập múa theo bài hát, tập tô màu và học cách thể hiện tình yêu thương với bố mẹ và các anh chị tình nguyện.
Ngoài việc dạy học và vui chơi cùng trẻ em chậm phát triển đang điều trị tại các bệnh viện, nhóm tình nguyện viên còn dành thời gian lắng nghe tâm sự, động viên những em nhỏ nhút nhát chia sẻ về mình. Những ngày đặc biệt, các tình nguyện viên đến tặng quà, chơi trò chơi, diễn văn nghệ, chia bánh, kẹo. Bên cạnh đó, nhóm tình nguyện cũng đã thiết kế cẩm nang tập hợp các câu chuyện có thật về những bệnh nhân bại não, tự kỷ, chậm phát triển đã vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống, rồi phát cho phụ huynh, giúp họ có niềm tin về con cái. Ngoài ra, nhóm còn tham khảo nhiều bác sĩ, chuyên gia về phương pháp của nhóm đối với các bạn trẻ và nhận được những tư vấn kịp thời. Việc làm này không chỉ gây được những hiệu ứng tốt đối với những trẻ em đang điều trị, đối với phụ huynh các em mà còn khiến nhiều bác sĩ, cán bộ y tế trong các bệnh viện phấn khởi về sự chuyển biến tích cực của các em.
Những câu chuyện cảm động
Với việc tiếp xúc với hàng trăm trẻ chậm phát triển và theo dõi sự tiến triển của các em trong thời gian dài, các tình nguyện viên cũng ghi nhận rất nhiều câu chuyện cảm động. Trường hợp em Nguyễn Đinh Thủy Nguyên (SN 2007), quê Nghệ An, bị khiếm thính bẩm sinh, là một trong những câu chuyện khó quên đối với nhiều tình nguyện viên. Khi còn ở tuổi mẫu giáo, Nguyên thường xuất hiện với vẻ mặt buồn rầu và chỉ chơi một mình vì không ai trong lớp chơi với em. Ở nhà, mỗi lần muốn lấy đồ vật gì là em chỉ biết cách chỉ đồ vật rồi kéo mẹ hoặc ông bà lấy hộ, hiếm khi tự mình đi lấy. Khi dự án Giáo dục trẻ khiếm thính trước tuổi đến trường (IDEO) tiếp xúc với gia đình Nguyên, đội hỗ trợ gặp không ít khó khăn. Thấy cháu thiệt thòi nên ông bà cưng chiều Nguyên từ bé, vì thế em khá bướng bỉnh. Nguyên chỉ làm những điều em thích, không biết ngôn ngữ ký hiệu và tỏ ra không thích học. Dù quan sát các anh chị dùng ký hiệu nhưng nhất định không làm theo.
Khi hiểu ra giá trị nhân văn của dự án, ông bà của Nguyên đã dành nhiều thời gian hơn học ngôn ngữ ký hiệu với cháu và không ngại trời nắng cũng như trời mưa đi quãng đường hơn 20km để đưa cháu tham dự hoạt động của dự án. Sau khi cùng học thì ông bà và Nguyên đã có thể giao tiếp được với nhau thông qua ký hiệu, ông bà nói gì Nguyên đều hiểu ý và làm theo. Tiến triển đó thực sự là một kỳ tích chưa bao giờ ông bà em nghĩ tới.
Hoặc trường hợp của bé Hải Anh, 6 tuổi, gặp nhiều thiệt thòi vì vừa mới chào đời, bố đã bỏ hai mẹ con để sống với người khác.
Sau đó em lại bị một tai nạn bất ngờ làm tổn thương não. Khi vào viện, em cực kỳ nhút nhát, luôn miệng khóc và đòi về nhà vì nhớ mẹ. Khi các tình nguyện viên đến vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần, Hải Anh được học, được chơi cùng và bạo dạn hơn trông thấy. Hải Anh gắn bó nhiều hơn, có thể tự tin đứng lên ca hát trước đông người, thậm chí còn yêu cầu các anh chị tình nguyện viên thực hiện mong muốn của em. Hay chuyện của bé Vũ, bị liệt một tay và một chân. Khi bố em đang làm thuê việc chặt cây, cho em đi theo và em bị cành cây rơi trúng người. Vốn là người hay say xỉn, thấy thế, bố em bỏ đi, gia đình chủ nhà vì quá thương em nên cưu mang, đưa em đi chạy chữa. Nhóm tình nguyện đến chơi, dạy học và đã khiến em hòa đồng, tự tin hơn rất nhiều.
Song song với đó, các tình nguyện viên luôn kể cho người thân của các em nghe những câu chuyện trên thế giới chứng minh rằng trẻ em bị bại não, tự kỷ và chậm phát triển có thể trở thành nghệ sĩ, vận động viên, diễn viên hài, nhà văn… Các em có thể vượt qua những khó khăn ban đầu nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ gia đình của họ. Những tình nguyện viên của dự án qua công việc của mình để truyền tải một thông điệp: Việc chăm sóc và giáo dục một đứa trẻ khuyết tật là một thách thức và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ, người thân, những người đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của con em mình. Và họ luôn tin tưởng rằng việc các em được tiếp cận với giáo dục cơ bản cùng với sự hiểu biết đầy đủ của các bậc cha mẹ sẽ có thể tạo ra những thay đổi kỳ diệu trong sự phát triển của những trẻ em không may mắn bị bệnh bại não, tự kỷ và chậm phát triển. Tương lai tươi sáng vẫn đang chờ đợi các em, cùng sự cố gắng không mệt mỏi của gia đình, xã hội và chính bản thân "những đứa trẻ phi thường".