Nước Đức thống nhất: Mô hình cho các quốc gia bị chia cắt

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 17:00, 06/10/2015

(HNMO) - Cuối tuần qua, Đức đã có những giờ phút thật sôi động với một loạt các hoạt động kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước.


Chưa bao giờ, lễ kỷ niệm thống nhất nước Đức lại thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu như năm nay. Tất cả các nghiên cứu đều tập trung soi chiếu vào những yếu tố kinh tế và xã hội kể từ khi miền Đông khốn khó sáp nhập vào miền Tây giàu có.

Khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất cách đây 25 năm, cả nước đã say sưa trong niềm lạc quan cao độ. Trong khi đương kim thủ tướng Helmut Kohl cam kết về viễn cảnh hưng thịnh thì người tiền nhiệm của ông là Willy Brandt đã có một câu nói huyền thoại: "Những gì thuộc về nhau sẽ cùng nhau phát triển".

Sau 25 năm, những cam kết năm xưa cơ bản đã thành hiện thực. Nội tại nước Đức tuy vẫn tồn tại những khác biệt, trong đó một số khác biệt là đáng kể, nhưng không có tranh chấp. Đây có thể được coi là một thành công và nước Đức cũng có thể là mẫu hình cho những quốc gia bị chia cắt hiện nay, như hai miền Triều Tiên, và những nước đang chìm trong nội chiến, tìm thấy điểm chung.

Người Đức vẫn còn tranh luận sôi nổi về những thay đổi, trong đó có yếu tố chính trị. Nghiên cứu mới nhất của Viện Dân số và Phát triển Berlin cho thấy, một nửa người Đức tin rằng có rất nhiều khác biệt giữa phía Đông và phía Tây.

Người Đông Đức hiện có thu nhập chỉ bằng 2/3 so với người Tây Đức. Người Đông Đức cũng thất nghiệp nhiều hơn, có ít ngành công nghiệp hơn và không có nhiều sản phẩm có mặt trên các kệ siêu thị. Trong số 500 người Đức giàu nhất, chỉ có 21 người ở phía đông và trong số này, 14 người sống ở Berlin. Trong số 20 thành phố thịnh vượng nhất nước Đức, phía đông chỉ có một thành phố - Jena. Hai triệu người đã chuyển sang phía tây sinh sống, để lại một dân số già cho Đông Đức và ở một số nơi, thậm chí dân số đã suy giảm.

Rất đông người tham gia lễ kỷ niệm 25 năm thống nhất nước Đức ở Berlin



Theo Giám đốc Viện Dân số và Phát triển Berlin Reiner Klingholz, chưa từng có ví dụ thực tế nào về việc sáp nhập hai nhà nước có hệ thống chính trị khác nhau lại suôn sẻ đến vậy trong lịch sử, nó thực sự là một phép lạ. Nhưng sự thống nhất này đã và sẽ còn vấp phải nhiều khó khăn để đạt tới các mục tiêu lớn lao đã đề ra.

Ông Klingholz ước tính, sẽ phải mất ít nhất một thế hệ nữa trước khi hai vùng đất nước thực sự phát triển trở lại cùng nhau. Một bằng chứng cho điều đó, ông nói, là nhiều người Tây Đức thậm chí còn chưa bao giờ đến phía đông, trong khi hầu hết người Đông Đức đã tới thăm phía tây.

Những thay đổi và khác biệt ở hai miền, lớp người già nhận thấy rõ ràng hơn giới trẻ. Nhưng nhìn chung, tiêu chuẩn sống của người dân hai miền đều đang cao và họ có cuộc sống tương đương.

Tại lễ kỷ niệm 25 năm thống nhất nước Đức được tổ chức cuối tuần qua ở Berlin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã nhận xét, sự thống nhất của nước Đức là bằng chứng về những gì mà người dân và các nền chính trị có thể đạt được "nếu họ vượt qua những bức tường, hàng rào và rào cản". Ông muốn đề cập tới một châu Âu "hòa bình và tự do, công bằng và thịnh vượng".

Nhưng với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo cũng có mặt tại buổi lễ, thành công của Đức đã mang đến niềm hi vọng cho tất cả những ai đang chịu cảnh chia cắt đất nước.

Vân An