Hy vọng mong manh của những nô lệ trong tay IS

Xã hội - Ngày đăng : 16:00, 06/10/2015

(HNMO) “Xin chào…” Giọng nói vang lên một cách nghẹn ngào, đứt quãng và nức nở. Sự tuyệt vọng của người gọi có thể được thấy rất rõ: “Chúng tôi đang rơi vào một hoàn cảnh không thể tồi tệ hơn”.

(HNMO) “Xin chào…” Giọng nói vang lên một cách nghẹn ngào, đứt quãng và nức nở. Sự tuyệt vọng của người gọi có thể được thấy rất rõ: “Chúng tôi đang rơi vào một hoàn cảnh không thể tồi tệ hơn”.


Ở đầu dây bên kia, Ameena Saeed Hasan là người chuyên tư vấn và xử lý các tình huống khẩn cấp để thoát khỏi sự giam cầm của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Hàng ngày, Hasan đều nhận được những cuộc gọi tương tự. Từng là một nhà lập pháp tại Iraq, hiện bà đang tận dụng hết các khả năng có thể để giải cứu những người phụ nữ Yazidi.

Khi phiến quân IS lần đầu đánh chiếm Mosul, Hasan nghĩ những người Yazidi tại núi Sinjar vẫn sẽ được an toàn.

“Chúng tôi tự nhủ bọn chúng sẽ không tới Sinjar. Nơi đó không có dầu mỏ hay bất cứ thứ gì khác. Bọn chúng cần gì ở đó?”

Nhưng rốt cuộc, phiến quân IS đã ập đến Sinjar. Chẳng hề có bất cứ nguồn dự trữ dầu mỏ nào. Thay vào đó, chúng lấy đi tài nguyên quý giá nhất của vùng đất này, đó chính là con người.

Các phiến quân Hồi giáo bắt giữ hàng ngàn phụ nữ và trẻ em, đồng thời giết chết tất cả những người đàn ông Yazidi. Chúng lập luận rằng hành động bắt giữ và cưỡng bức những phụ nữ và bé gái không theo đạo Hồi là phù hợp với lời răn dạy trong kinh Coran.

Rất nhiều gia đình đã tìm đến Hasan với hi vọng có được dù chỉ là một chút manh mối về người thân bị mất tích.

“Tôi cũng là một người Yazidi đến từ núi Sinjar. Trong số những người bị bắt cóc, có cả người thân, bạn bè và hàng xóm của tôi”.

Hasan cùng chồng là Khalil đã thiết lập một mạng lưới để lén đưa những người phụ nữ này trốn thoát. Bà nhận các cuộc gọi cầu cứu hoặc cung cấp thông tin, và ông Khalil sẽ thực hiện các chuyến đi có phần mạo hiểm đến biên giới Iraq và Syria để mang họ trở về an toàn.

Cho đến nay, cặp vợ chồng này đã giải cứu được hơn 100 nạn nhân. Một trong những người đầu tiên được cứu thoát là một phụ nữ 35 tuổi có 6 đứa con. Cô đã bị bắt giữ và mua đi bán lại tại các khu chợ nô lệ của IS.

Trong cuộc nói chuyện điện thoại với Hasan, cô mô tả lại những điều khủng khiếp mà mình đã chứng kiến: “Chúng tống người lên 2 chiếc xe tải lớn và mang họ đi. Khi một người phụ nữ tranh cãi và chống lại chúng, cô ấy lập tức bị giết chết”.

Mặc dù đã phải trải qua những ký ức vô cùng kinh hoàng, người phụ nữ này vẫn còn may mắn hơn những người khác bởi ít nhất cô cũng tìm được cách chạy thoát.

Rất nhiều người không thể chờ đợi đến ngày được giải cứu. Hàng trăm nô lệ đã tự tìm đến cái chết bởi họ không chịu đựng được việc liên tục bị tra tấn và cưỡng bức. Hasan vẫn còn lưu giữ những bức ảnh của họ.

Những cống hiến của Hasan đã được công nhận rộng rãi. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả công việc của bà là “một sự nỗ lực không biết mệt mỏi vì người Yazidi ở miền Bắc Iraq. Cả thế giới phải có trách nhiêm với những gì mà họ đang phải chịu đựng”.

Nhưng Hasan vẫn đau đáu suy nghĩ về những nô lệ mà mình không thể giải cứu. “Tôi không tài nào ngủ được. Tôi sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy đến với họ”.

“Câu hỏi của họ luôn vang lên trong đầu tôi: Bao giờ bà đến cứu chúng tôi? Nhưng tôi không thể cho họ câu trả lời. Tôi không đại diện cho chính quyền, tôi cũng chỉ là một con người nhỏ bé trong thế giới này. Mọi chuyện thật quá khó khăn”.

Rất nhiều người đã tình nguyện tham gia cuộc chiến chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bằng súng đạn hay bom mìn. Còn vũ khí của Hasan chính là chiếc điện thoại. Chỉ với vật dụng giản đơn ấy, bà đã mang lại ánh sáng le lói cho những con người tuyệt vọng cách đó hàng trăm cây số.

Mai Chi