Giảm phát thải khí nhà kính, mức độ nào cho Việt Nam?

Công nghệ - Ngày đăng : 15:57, 06/10/2015

(HNMO) - Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, lượng khí CO2 toàn cầu đang ở mức cao nhất trong ít nhất 800.000 ngàn năm qua. Lượng khí nhà kính ở Việt Nam đang tăng chóng mặt, làm trầm trọng hơn thời tiết cực đoan của Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Băng tan, nước biển dâng cao, tần số các cơn bão và lốc xoáy mạnh cũng với lũ lụt, hạn hán tăng lên, gây thiệt hại nặng nề cho con người. Đó là những hậu quả của hiệu ứng nhà kính làm bầu khí quyển trái đất nóng lên mà nguyên nhân là các khí thải sản sinh trong quá trình hoạt động của con người.

Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu tháng 9/2014, Việt Nam thông báo đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10-20% so với kịch bản thông thường.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Việt Nam luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2010, giảm lượng tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%/năm. Đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5% – 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 – 30% so với phương án phát triển bình thường.

Việt Nam đã đặt mục tiêu và nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính.


Để hạn chế lượng khí phát thải, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai chiến lược tăng trưởng xanh trong đó nổi bật nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2055”; Dự án “Nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các nhà sản xuất đầu tư chiều sâu để cải tạo các thiết bị sẵn có, đồng thời áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến, tổ chức sắp xếp lại sản xuất nhằm giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế đến mức thấp nhất lượng phát thải CO2, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, trong Diễn đàn Nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, Bộ NN&PTNN đã đặt mục tiêu đến 2020, ngành trồng trọt sẽ giảm 5,7 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 10% lượng khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt.

Việt Nam cũng đang thực hiện giảm lượng khí thải thông qua nhiều dự án thực hiện theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, hiện Việt Nam có 253 dự án theo cơ chế phát triển sạch được đăng ký và giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 140 triệu tấn CO2 tương đương. Mặc dù mới thực hiện cơ chế phát triển sạch hơn 10 năm và việc sử dụng năng lượng tái tạo còn ở mức khiêm tốn nhưng Việt Nam đã góp phần quan trọng trên hành trình tuân thủ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto cũng như góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xây dựng thị trường các-bon trong nước, đẩy mạnh sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững để thực hiện hiệu quả nội dung, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh đã đề ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và thực hiện nhiệm vụ của một quốc gia với tư cách là thành viên của Công ước khung UNFCCC, tham gia triển khai các cơ chế mới theo Thỏa thuận chung toàn cầu về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Việt Nam sẽ đưa mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính vào khung chính sách phát triển kinh tế xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, thay đổi, Việt Nam vẫn luôn khẳng định nỗ lực, quyết tâm của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thách thức toàn cầu và trong nước đặt Việt Nam trước yêu cầu buộc phải phát triển nền kinh tế xanh, xanh hóa sản xuất, bao gồm sản xuất công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đề cao đầu tư ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, xanh hóa lối sống. Đây chính là những biện pháp lâu dài để Việt Nam tiến bước trên con đường quản lý hiệu quả khí gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Hy vọng với các biện pháp nhằm làm giảm phát thải nhà kính, Việt Nam sẽ giữ vững được cam kết với các Tổ chức quốc tế làm cho bầu không khí ngày càng trong lành hơn.

* Bài viết trong loạt bài phục vụ: "Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu".

Lan Hương