Luồng gió mới ở những bản nghèo nhất xứ Thanh
Trái tim nhân ái - Ngày đăng : 11:07, 06/10/2015
Khi chúng tôi dựng xe bên ngoài một người dân trong bản và hơi băn khoăn về việc trời tối mà lại vào cả không có người trông, anh Hoàng Thanh Tâm – trưởng bản (38 tuổi) cười và nói: “Yên tâm, giờ có để xe đến sáng cũng không ai làm sao đâu”.
Đại diện lãnh đạo Viettel trao tặng trạm y tế trị giá 3,7 tỷ đồng cho bà con bản Co Cài Ảnh Nguyễn Tuấn |
Vị trưởng bản tiết lộ, trước đây, khi tệ nạn ma túy và HIV còn hoành hành, bản Poọng có biệt danh “bản Siđa”. Đi kèm với nạn ma túy, người dân cũng phải cẩn thận với những đồ vật giá trị dù tại cái bản gần như là nghèo nhất xứ Thanh này, chẳng mấy hộ có thứ gì đáng tiền.
Mới cách đây hơn 3 năm, bản Poọng còn chưa có điện lưới quốc gia. Hôm đó, khi chúng tôi đến, ánh sáng để một cô bé đi lấy gạo thổi cơm là từ chức năng đèn pin của chiếc điện thoại di động. Khi ấy, Viettel là mạng di động duy nhất phủ sóng ở bản Poọng, và từ khi có điện thoại, bà con liên lạc với nhau nhanh hơn, việc bán hàng cho thương lái cũng thuận hơn và cảm thấy… hiện đại hơn.
Thế rồi, cái bản mang biệt danh “Siđa” này không chỉ có điện thoại di động là văn minh. Từ chỗ canh tác nông nghiệp có năng suất thấp, người dân trong bản nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, tặng giống cây trồng từ Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) và nhiều đơn vị khác. Chưa hết, một số hộ nghèo trong bản còn được tặng bò giống để kéo cày, hỗ trợ tiền để xóa nhà tranh tre nứa lá…
Và đến năm 2014, năng suất lúa toàn huyện Mường Lát đạt trung bình khoảng 42 tạ/ha thì bản Poọng đạt từ 56-60 tạ/ha. Đây là điều bất ngờ với một bản nghèo từng nổi danh về tệ nạn.
Khi chúng tôi vào nhà chị Hoàng Thị Báo (29 tuổi), bà mẹ có 2 con đang ngồi xem tivi. Chị Báo tâm sự, từ khi bản Poọng có điện, gia đình mua ngay một tủ đông để làm đá và bán kem, sau đó là nhiều hàng hóa tiêu dùng khác. Thu nhập từ tủ đông cũng giúp gia đình chị đủ ăn, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào nghề nông như trước.
Đường vào bản Poong được rải đá. Ảnh Nguyễn Thành |
Trong khi đó, anh Hoàng Thanh Tâm – trưởng bản chia sẻ: “Giờ mỗi tháng mình chỉ mất 30.000 đồng tiền điện thôi là tối có thể thắp điện, quạt và xem tivi rồi. Trước thì mỗi tháng cứ phải thay vài cái vòng bi điện (do dùng điện nước), cũng tốn tiền lắm”.
Giờ đây, người dân bản nghèo đã có thể ở nhà xem tivi, nhiều gia đình có lắp đầu thu kỹ thuật số nên có thể thưởng thức nhiều chương trình truyền hình thú vị. “Xem nhiều chương trình truyền hình hay, ngoài việc thấy vui, thấy biết được nhiều thứ hơn. Ngoài điện, đường vào bản được xây tốt hơn cũng khiến người dân đỡ khổ”, anh Tâm nói.
Trước đây, đường vào bản quá xấu, nếu có người bệnh nặng, người dân bản Poọng phải khênh đi chứ chở xe máy rất khó. Có trường hợp khênh tới viện thì người đưa đi cấp cứu cũng đổ bệnh sau đó. Để hỗ trợ cho công tác chăm sóc y tế, ngoài việc hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) còn tặng bệnh viện huyện một chiếc xe cứu thương, tạo điều kiện thuận lợi cho người cấp cứu có thể đến được bệnh viện kịp thời.
Chưa hết, tại bản Co Cài, Viettel vừa mới trao tặng một trạm y tế trị giá 3,7 tỷ đồng. So với bản Poọng, Co Cài còn khó khăn hơn vì đến giờ vẫn chưa có điện, khoảng cách tới bệnh viện, trạm y tế ngoài huyện lên tới hàng chục km và không thể đi được khi trời mưa.
Hôm diễn ra lễ trao tặng trạm xá, Lò Thị Xiềm (17 tuổi) bế co con gái nhỏ đến xem và nói với phóng viên: “Giờ em có thể đưa con đến trạm y tế khám mỗi khi nó ốm rồi”. Xiềm lấy chồng sớm (16 tuổi) và sinh con cũng chưa có kinh nghiệm, ốm đau không ít nhưng người phụ nữ trẻ chủ yếu tự chữa ở nhà vì đường đến trạm y tế, bệnh viện quá xa.
Ông Hà Văn Pằn, Bí thư chi bộ xã Co Cài (Mường Lát) chia sẻ: "Có trạm xá, dân bản được khám chữa tại chỗ là một điều ước thành hiện thực rồi. Giờ đi khám bệnh chỉ mất chục phút chứ không phải là nửa ngày, với điều kiện trời nắng như trước nữa”.