Bài học từ đất nước của những đứa trẻ thiên tài
Giáo dục - Ngày đăng : 09:09, 06/10/2015
(Ảnh: hotcourseabroad.com) |
Marc Tucker - Chủ tịch Trung tâm Giáo dục và Kinh tế Quốc gia Mỹ - nhận xét: “Singapore là một đất nước kỳ diệu. Trước chiến tranh Thế giới II, nơi đây từng là một trong những cảng chính của Anh. Khi người Anh đóng cửa các căn cứ và bỏ đi, Singapore đã rơi vào tình trạng vô cùng bế tắc”.
“Ngày nay, họ là một trong những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Kỳ tích này đạt được chủ yếu nhờ giáo dục và đào tạo”.
Bí quyết trong bước chuyển mình kỳ diệu của Singapore chính là chất lượng giáo viên. “Họ tuyển chọn giáo viên từ chính những học sinh xuất sắc nhất tại các trường trung học”.
Sử dụng tri thức sáng tạo
Trước thời kỳ chiến tranh, Singapore sở hữu thị trường lao động giá rẻ và có chất lượng thấp. Nền giáo dục của Singapore mới chỉ dừng lại ở mức phổ cập xóa mù chữ.
Nhưng mọi chuyện đã dần thay đổi kể từ những năm 70 của thế kỷ 20. Nhận thấy cần phải thực hiện những bước chuyển dịch kinh tế lớn, Singapore bắt đầu đẩy mạnh việc phát triển theo hướng công nghệ cao, tập trung vào các công việc trí óc và đầu tư cho hệ thống giáo dục. Lớp học như một thế giới mà mỗi đứa trẻ đều là trung tâm, và lấy việc khuyến khích sáng tạo làm gốc rễ cơ bản.
Andreas Schleicher - Giám đốc Giáo dục của OECD - cho rằng: “Họ hiểu rất rõ rằng nền kinh tế thế giới không có chỗ cho những người chỉ biết thụ động với những gì mình biết. Ngày nay, bạn có thể tra cứu mọi thứ bằng Google. Người thành công là người biết cách vận dụng kiến thức của mình”.
“Việc áp dụng kiến thức một cách sáng tạo vào thực tế được đặc biệt chú trọng ở Singapore và một số nước châu Á khác”.
Liệu chúng ta có thể trở nên thông minh và sáng tạo hơn thông qua giáo dục?
Mấu chốt của giáo dục là sự kiên nhẫn và những bước tiền đề từ khi trẻ còn rất nhỏ, thậm chí là trước tuổi đến trường.
Theo quan điểm của bà Diana Ong - Hiệu trưởng trường Sembawang: “Thời kỳ trước tuổi đến trường chính là những tháng ngày đặt nền tảng cho giáo dục. Tôi luôn cho rằng năm đầu tiên trong cuộc đời của trẻ rất quan trọng. Nếu trẻ có được sự tự tin, tố chất đó sẽ được phát triển và giúp ích rất nhiều trong quá trình học tiểu học, trung học và xa hơn nữa. Trí thông minh là chưa đủ, bạn còn cần chú trọng đến sức bật của trẻ”.
Ông Schleicher nhận định, việc cha mẹ ưu tiên và đặt nhiều kỳ vọng trong việc giáo dục và học tập của con cái là một phần của nền văn hóa tại rất nhiều nước châu Á.
“Các bậc ông bà, cha mẹ sẵn sàng dành dụm những khoản tiền cuối cùng của mình để đầu tư cho việc học của con cháu”.
“Bạn có thể dễ dàng nhận thấy trong chính sách công của hầu hết các quốc gia trên thế giới, giáo dục luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Đó cũng chính là tương lai của nhân loại”.