Quản lý hệ thống nghĩa trang nhân dân trên địa bàn Hà Nội: Khó cũng phải làm

Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 06/10/2015

(HNM) - Trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 2.600 nghĩa trang nhân dân từ cấp thành phố đến xã, phường với quy mô 2.744ha, chiếm 0,82% diện tích đất tự nhiên.


Qua đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố mới đây cho thấy, nếu không sớm quy hoạch, quản lý chặt chẽ và tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện hỏa táng thì tới đây, diện tích đất nghĩa trang của thành phố sẽ ngày càng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Quản lý khó khăn

Theo đánh giá của hai đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội về lĩnh vực quản lý nghĩa trang, hiện nay, nhiều địa phương quản lý hệ thống nghĩa trang nhân dân lỏng lẻo. Nhất là vùng ngoại thành, nghĩa trang phân bố rải rác ở các thôn, xóm theo cụm dân cư, nằm xen kẽ trong diện tích đất trồng lúa, hoa màu, ở các khu gò, đồi, bãi. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, không dự đoán được khả năng phát triển đô thị, nhiều nghĩa trang cấp xã, phường lọt vào giữa khu đô thị, không bảo đảm khoảng cách, cự ly đến các công trình xung quanh. Bên cạnh đó, hệ thống công trình phụ trợ như nhà quản trang, cây xanh, tường rào hầu như không có; hệ thống nước thải chưa được xử lý, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường. Đặc biệt, trên địa bàn một số xã vùng ngoại thành Hà Nội, vẫn còn tình trạng nghĩa trang nhỏ lẻ tự phát chưa có đơn vị quản lý, do người dân tự chọn vị trí tại các cánh đồng của làng hoặc tự chôn trên phần thửa ruộng của gia đình, dòng họ. 

Những bất cập tại huyện Thanh Trì là một điển hình, chỉ có 16 xã, thị trấn nhưng huyện có đến 67 nghĩa trang nhân dân. Hầu hết các nghĩa trang được hình thành từ lâu đời, trong đó cả hung táng và cải táng, các ngôi mộ bố trí lộn xộn, không chia khu riêng biệt, hình thức kiến trúc không thống nhất. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Hùng Tiến, đại đa số nghĩa trang địa bàn huyện hình thành và tồn tại lâu đời theo phong tục, tập quán địa phương. Do vậy, các khu mộ không được quy hoạch, quản lý; nhiều mộ riêng lẻ, mộ dòng họ nằm ngoài nghĩa trang chung của thôn, làng, nên rất khó khăn trong vận động di chuyển để quản lý, quy hoạch.

Trong khi đó Thanh Trì được trung ương và thành phố quy hoạch là khu trung tâm mở rộng, có nhiều dự án cần phải di dời các mộ rải rác, nhưng nguồn quỹ đất dành cho nghĩa trang không còn nhiều. Mặt khác, Thanh Trì vẫn là huyện ngoại thành, nhu cầu chôn cất, cải táng theo phong tục cũ chưa thể thay đổi ngay được, nên huyện cũng khó khăn trong quy hoạch, quản lý nghĩa trang. Tương tự, huyện Mê Linh có 18 xã, thị trấn nhưng đang tồn tại 89 nghĩa trang, hình thức chôn cất chủ yếu là hung táng, cải táng. Dù huyện có quy hoạch nghĩa trang tập trung theo quy hoạch nông thôn mới, nhưng việc di chuyển rất khó khăn vì liên quan đến kinh phí xây dựng, tâm lý người dân không muốn di chuyển mồ mả (chủ yếu phần mộ đã cát táng từ lâu).

Cần tiếp tục chính sách hỗ trợ hỏa táng

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội (đơn vị được thành phố giao quản lý nhà nước về nghĩa trang), từ năm 2010, sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang tại các quận, huyện, xã, phường còn hạn chế, chưa đồng bộ, nhiều nghĩa trang không có tổ quản trang, không có bộ phận chuyên trách về vệ sinh môi trường, chưa có sơ đồ quản lý mộ, đánh số mộ và thực hiện lưu giữ hồ sơ… Các nghĩa trang được xây dựng theo hình thức xã hội hóa cũng chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu an táng của nhân dân. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành nhận định, đây là vấn đề khó, nan giải, các ngành cũng chưa phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý các nghĩa trang, nhà tang lễ trên địa bàn.

Hiện nay, phần lớn các nghĩa trang thuộc các quận nội thành cũ đều đã quá tải phải đóng cửa hoặc đang có phương án di dời phục vụ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đã gây sức ép lớn về quy hoạch, mở rộng nghĩa trang. Bên cạnh đó, nghĩa trang nhân dân là tồn tại lịch sử, mới được đưa vào hệ thống quản lý nhà nước trong thời gian gần đây, do vậy có rất nhiều bất cập như sử dụng đất không hiệu quả, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, quản lý chủ yếu theo phong tục tập quán của địa phương, mộ nằm riêng lẻ, rải rác ở các đồi gò, bãi, ruộng làm ảnh hưởng đến sản xuất
nông nghiệp…
Trước những bất cập của việc an táng tại các nghĩa trang, năm 2013, UBND thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ khuyến khích hỏa táng. Sau 3 năm, chính sách này đã đạt được hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi nhận thức của nhân dân về việc tang văn minh, được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Từ năm 2013 đến nay, thành phố đã chi 204 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 55.000 ca hỏa táng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn liên ngành giữa Sở Tài chính và Sở LĐ-TB&XH chính sách hỗ trợ hỏa táng thực hiện giai đoạn 2013-2015, có nghĩa chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa thì sẽ hết thời hạn.

Xác định hiệu quả của việc hỏa táng, bảo đảm vệ sinh môi trường, tốn ít diện tích đất, mới đây Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện cơ chế khuyến khích hỏa táng đến năm 2020, hướng tới mục tiêu 90% nhân dân nội thành và 60% nhân dân ngoại thành lựa chọn hình thức hỏa táng. Nếu thành phố tiếp tục thực hiện việc này tốt cũng sẽ góp phần thực hiện lộ trình quy hoạch đến năm 2030, mỗi xã chỉ còn từ 1 đến 2 nghĩa trang nhân dân tập trung theo Quy hoạch nghĩa trang TP Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việt Tuấn