Tầm nhìn vượt thời gian đối với các khoa học xã hội và nhân văn

Giáo dục - Ngày đăng : 06:54, 06/10/2015

(HNM) - Bằng tầm nhìn vượt trước thời gian, chỉ một tháng 8 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 10-10-1945, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45/SL thành lập Đại học Văn khoa ở Hà Nội, bổ sung vào hệ thống các trường đại học, cao đẳng đã có từ trước cách mạng


Nội dung Sắc lệnh khẳng định: “Cần phải nâng cao nền văn học Việt Nam cho xứng đáng với một nước độc lập và để theo kịp bước các nước tiên tiến trên hoàn cầu”. Khái niệm “nền văn học” trong Sắc lệnh là chỉ nền nhân văn của một nước độc lập. Có thể thấy rằng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của khoa học văn khoa (khoa học nhân văn) trong kiến thiết quốc gia đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các khoa học xã hội và nhân văn trong kháng chiến, cũng như hiện nay trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đại học Văn khoa vừa mới ban hành quy chế, chương trình đào tạo để hoạt động được hơn một năm thì phải dừng lại, cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hoạt động của trường chuyển sang hình thức gọn nhẹ trong vùng tự do (Thanh Hóa) và chiến khu. Đại học Văn khoa được coi là tiền thân của các cơ sở đào tạo lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay.

Đất nước đang đối mặt với những vấn đề cấp bách, chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến các nhiệm vụ kiến quốc, trong đó có việc mở cửa lại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng để tạo nguồn nhân lực phục vụ kiến quốc, trên thực tế đã phục vụ kháng chiến, kiến quốc.

Đầu tháng 11-1945, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe đã ký một loạt Nghị định công bố chương trình đào tạo, đội ngũ giáo sư, quy chế thi cử của Trường Đại học Văn khoa và cử Giáo sư Đặng Thai Mai làm Giám đốc.

Theo Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục, có 25 trí thức lớn của đất nước giảng dạy cho Trường Đại học Văn khoa, trong đó có các vị như: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Nguyên, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Huy Bao, Cù Huy Cận, Ngô Xuân Diệu, Trần Văn Giáp, Trần Khánh Giư, Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ. Đặc biệt, tham gia giảng dạy lớp chính trị-xã hội có Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng giảng dạy về khoa Hiến pháp, ông Võ Nguyên Giáp giảng dạy khoa Kinh tế. Đội ngũ trí thức tiêu biểu này chẳng những góp phần quan trọng trong hoạt động đào tạo của Đại học Văn khoa, mà còn là những nhân tố quan trọng tạo nên nền khoa học xã hội và nhân văn của nước Việt Nam mới.

Ngày 15-11-1945, tại số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, Đại học Văn khoa cùng các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội đã tổ chức khai giảng năm học đầu tiên của nền Đại học Việt Nam dưới chế độ dân chủ, nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và chủ trì lễ khai giảng.

Một dân tộc có nghìn năm văn hiến của riêng mình nên giáo dục luôn có sứ mệnh thiêng liêng tạo nguyên khí bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được. Sự kiện khai giảng Đại học Việt Nam là sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống đó. Các nguyên tắc của chế độ mới trong đào tạo là: Dân tộc, khoa học và đại chúng, nhằm mục đích: Nâng cao nền khoa học nhân văn cho xứng với một nước độc lập và theo kịp bước các nước tiên tiến trên hoàn cầu. Đó là sứ mệnh của Đại học Văn khoa từ bảy thập niên trước.

Theo tinh thần Nghị định ngày 3-11-1945 của Bộ Quốc gia Giáo dục, Chương trình đào tạo dự kiến bước đầu thực hiện trong 3 năm (1945-1946; 1946-1947; 1947-1948). Đến năm học 1948-1949 thì thay đổi một phần ba chương trình; năm học 1949-1950 lại tiếp tục thay đổi một phần ba nữa; năm học 1950-1951 thay đổi một phần ba còn lại và cứ như thế luôn đổi mới chương trình đào tạo. Chủ trương hàng năm đổi mới tới một phần ba chương trình là tư duy đẩy nhanh việc tiếp cận và cập nhật tri thức mới đáp ứng yêu cầu kiến quốc cấp bách đang đặt ra.

Phương thức đào tạo là một điểm nổi trội mà có thể nói đến nay còn mang tính thời sự. Đó là phương thức, trong đó, vai trò của giảng viên được đề cao trong hướng đạo, khích lệ tính chủ động, năng động của sinh viên; tạo cơ hội để sinh viên tự nghiên cứu, tự khám phá và nếu muốn thi môn học nào đó thì phải tự nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn. Rõ ràng, cơ chế đào tạo đã đề cao tính chủ động và tự học của sinh viên. Người thầy chỉ có vai trò hướng dẫn và chỉ đạo.

Những hệ luận rút ra từ hoạt động đào tạo của Đại học Văn khoa:

Vị trí, vai trò của khoa học xã hội và nhân văn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao trong giáo dục, đào tạo. Trong thời thuộc Pháp, các môn khoa học xã hội và nhân văn ít được chú ý, môn lịch sử, văn chương chẳng hạn, lại gắn với lịch sử, văn chương Pháp quốc và thế giới là chủ yếu, không gắn với lịch sử, văn chương, văn hóa Việt Nam. Đại học Văn khoa (khoa học nhân văn) ra đời là sự khẳng định vị trí của nó trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như vai trò của nó trong xây dựng con người và xã hội mới. Đồng thời, sự hiện diện của Đại học Văn khoa lúc đó đã khẳng định nguyên lý: Một nền giáo dục toàn diện đòi hỏi phải giáo dục hài hòa về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, nhân văn.

Nguyên lý xây dựng chương trình là phải lấy mục tiêu giáo dục làm căn bản và lấy người học làm trung tâm của quá trình giáo dục, đào tạo; đề cao vai trò quan trọng của người thầy trong việc xác định các chuyên đề cần giảng và xác định những chuyên đề để sinh viên tự khảo cứu. Đồng thời, sinh viên được tự chủ xác định hướng chuyên sâu trong khi học và tự chọn cách học, cách tốt nghiệp, không phải chịu sức ép của chương trình đào tạo. Điều này tạo ra cho sinh viên tính tự giác cao, chủ động xác định kế hoạch, lộ trình học tập của mình và đòi hỏi sinh viên phải rèn luyện trình độ, kỹ năng biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo ngay ở bậc cử nhân.

Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước về vai trò, vị trí của khoa học xã hội và nhân văn vẫn có tính thời sự cho triển khai đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam, chắc chắn có ý nghĩa khi triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo biên soạn.
PGS.TS Phạm Xuân Hằng