Vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 06/10/2015

(HNM) - Sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), huyện Chương Mỹ đã tập trung đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa. Tuy bước đầu mang lại hiệu quả tích cực nhưng nhân dân trong vùng chuyển đổi vẫn chưa thực sự yên tâm sản xuất do vướng một số cơ chế, chính sách.


Trên những xứ đồng của xã Lam Điền đã xuất hiện một số mô hình trang trại, vườn trại phát triển ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thanh, DĐĐT đã mở ra cơ hội cho người nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, sau 3 năm hoàn thành công tác DĐĐT, xã Lam Điền đã chuyển đổi được 133ha đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế.

Mô hình nuôi đà điểu ở xã Hữu Văn.


Cụ thể, toàn xã đã phát triển được 50 trang trại chăn nuôi gà có quy mô 5.000 - 10.000 con/lứa, 17 trang trại lợn công suất 1.000 con/lứa và 145 mô hình vườn ao chuồng... "Qua đánh giá, các mô hình trang trại trên địa bàn cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5-10 lần cấy lúa và các cây trồng khác" - ông Thanh cho biết.

Tương tự, đến các khu chuyển đổi của xã Hữu Văn, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ... chúng tôi đều nhận thấy sự thay đổi của vùng đất nơi đây. Trước đây, khu đất cằn sỏi đá dưới chân Núi Bé, nhân dân xã Nam Phương Tiến chỉ độc canh cây sắn, hiệu quả kinh tế thấp, nay đã được chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn. Ông Nguyễn Huy Tích ở xã Nam Phương Tiến cho biết, trồng bưởi Diễn tuy mất nhiều công chăm sóc và phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng sắn. Hiện 4ha bưởi Diễn của gia đình anh Tích mỗi năm cho thu lãi khoảng 800 triệu đồng. Nhiều xã khác mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư cho giá trị kinh tế cao như: Mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, mô hình cây ăn quả bao sinh học tại thị trấn Xuân Mai, mô hình chăn nuôi theo hình thức liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ tại xã Đại Yên... tạo thành những vùng sản xuất hàng hóa triển vọng của huyện Chương Mỹ.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Viết Xuân, với khoảng 11.000ha đất nông nghiệp, đến nay các địa phương đã chuyển đổi được gần 1.300ha, hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: vùng trồng cây ăn quả, nuôi bò thịt, gà đẻ trứng, lợn siêu nạc... Kinh tế trang trại ở huyện Chương Mỹ có bước phát triển mạnh mẽ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương. Đến nay toàn huyện đã có 450 trang trại tổng hợp, doanh thu đạt từ 600 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm và trên 600 vườn trại cho thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Chương Mỹ trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế do vướng một số cơ chế, chính sách. Theo ông Phùng Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Hữu Văn, bất cập nhất hiện nay đối với các tổ chức, cá nhân đang thuê đất ở khu chuyển đổi của xã là "vướng" Quyết định 71/2014 của UBND TP Hà Nội. Theo quy định, các hộ thuê đất công của xã phát triển trang trại sau 5 năm phải đấu thầu lại. Trong trường hợp không trúng thầu, họ phải phá dỡ toàn bộ tài sản đã đầu tư xây dựng trước đó, sẽ gây lãng phí, không khuyến khích được các hộ dân phát triển sản xuất lâu dài. Hay Thông tư 27 ban hành năm 2011 của Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí để được công nhận trang trại phải đạt diện tích từ 2,1ha trở lên cũng gây khó khăn đối với hầu hết các mô hình ở xã. Ngoài ra ông Nguyễn Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho rằng, còn một số bất cập khiến nông dân ngại đầu tư khoa học, kỹ thuật cho vùng chuyển đổi do các sở, ngành chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục vay vốn rườm rà; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, lãnh đạo huyện Chương Mỹ kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ dân chuyển đổi. Đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng cho các doanh nghiệp khi tham gia vào bao tiêu sản phẩm cho người nông dân...

Bài, ảnh: Đức Duy