Chờ đến bao giờ?
Bất động sản - Ngày đăng : 06:30, 05/10/2015
Không chỉ người nước ngoài mong chờ quy định này mà cả doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) trong nước cũng hy vọng dự luật mới khơi thông nguồn vốn tiềm năng lâu nay còn "ngủ yên", thúc đẩy tiêu thụ BĐS, nhất là lượng hàng cao cấp, tồn kho. Thế nhưng đến nay, theo nhiều đơn vị tư vấn BĐS, số người nước ngoài đến các sàn giao dịch BĐS mới dừng ở tìm hiểu dự án.
Nguyên do là còn nhiều vấn đề phát sinh chưa được đề cập trong luật, trong khi đó, thông tư hướng dẫn vẫn chưa được ban hành mặc dù luật đã có hiệu lực. Đơn cử như việc người nước ngoài được sở hữu nhà có thời hạn 50 năm. Song, nếu người mua vì lý do nào đó chỉ ở 20 năm và chuyển nhượng nhà cho người khác thì người đó được sở hữu bao nhiêu năm? 30 năm còn lại hay tiếp tục chu kỳ 50 năm mới? Rồi khoản tiền sau khi bán nhà có được đưa ra khỏi Việt Nam hay không?
Trước khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thường phải thông qua người Việt Nam đứng tên BĐS. Trong khi đó, Việt kiều muốn sở hữu nhà ở trong nước cũng gặp nhiều khó khăn.
Thống kê trong 5 năm qua (2009-2014), chỉ có hơn 400 người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài sở hữu nhà ở trong nước, rất ít so với số lượng người có nhu cầu. Đây cũng là một trong những lý do để soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi với những quy định mở để Việt kiều và người nước ngoài mua nhà.
Một đơn vị tư vấn BĐS cho biết, tính từ khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, số người nước ngoài có nhu cầu muốn hỏi về sản phẩm BĐS tăng 20-30%, nhưng vì phải chờ hướng dẫn nên gần như chưa có giao dịch. Chuyện luật phải chờ văn bản hướng dẫn không mới, thậm chí đã nói nhiều, vì vậy mong cơ quan quản lý sớm hoàn tất thông tư, đừng để văn bản hướng dẫn ảnh hưởng đến đời sống xã hội.