Nỗ lực vượt qua bất đồng
Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 05/10/2015
Kết quả các vòng đàm phán mới nhất cho thấy Nhật, Mỹ, Mexico và Canada đang tiến gần hơn đến mở cửa ngành sản xuất ô tô. |
Triển vọng hoàn tất TPP trong năm 2015 đang ngày một sáng sủa với những bất đồng giữa các bên về linh kiện ô tô, sữa và thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc sinh học (sinh dược) đang dần được thu hẹp. Theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari, các nhà đàm phán bắt đầu thấy con đường tới thỏa thuận và đã nhất trí sẽ thực hiện những nỗ lực cuối cùng. Cụ thể, các nhà đàm phán đã đạt được tiến triển quan trọng về dỡ bỏ các rào cản với sản phẩm linh kiện ô tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ. Khác với quan điểm cứng rắn tại hội nghị ở Hawaii diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Canada và Mexico phát đi tín hiệu rằng hai nước này sẵn sàng mở cửa thị trường cho linh kiện ô tô sản xuất tại Châu Á. Mexico và Canada muốn ô tô được miễn thuế trong TPP phải có ít nhất 45% bộ phận được sản xuất từ các nước trong khối. Tuy nhiên, Nhật Bản muốn ngưỡng này chỉ ở mức 32,5%. Mexico và Canada đưa ra yêu cầu trên theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khá nghiêm ngặt. Theo đó, linh kiện ô tô phải có ít nhất 60% có xuất xứ nội khối và ô tô nguyên chiếc phải có tỷ lệ 62,5% mới được miễn thuế nhập khẩu. Hai quốc gia Bắc Mỹ ngỏ ý sẵn sàng nhượng bộ và mở cửa thị trường linh kiện ô tô, cho thấy một trong những rào cản lớn nhất sắp được vượt qua.
Trở ngại về sữa cũng bắt đầu được khai thông khi Canada xem xét bồi thường cho những nông dân bị thiệt hại khi mở cửa thị trường cho sữa nhập khẩu từ các nước trong khối, một động thái được mô tả là khá bất ngờ. Trước đó, các cuộc biểu tình và những tiếng nói phản đối TPP xuất hiện ngày càng nhiều ở Canada. Người biểu tình lo ngại tham gia TPP sẽ bóp nghẹt hệ thống quản lý nguồn cung và dỡ bỏ thuế quan, vốn là hàng rào "truyền thống" từng bảo vệ ngành công nghiệp như sữa trước các đối thủ nước ngoài.
Dẫu vậy, hiện thời gian bảo hộ độc quyền với mặt hàng dược phẩm thế hệ mới vẫn bị bỏ ngỏ. Theo các chuyên gia quan sát, thời gian bảo hộ các sản phẩm sinh dược quá dài đã khiến các nước tham gia đàm phán TPP khó có thể tìm được tiếng nói chung. Theo luật Mỹ, các công ty được độc quyền trong 12 năm với những dữ liệu sản xuất thuốc. Điều này giúp bảo vệ độc quyền sản phẩm, nhưng bên phản đối cho rằng giảm độc quyền có thể giúp hạ chi phí ở các nước nghèo hơn. Mỹ đưa ra đề xuất giảm thời hạn xuống còn 8 năm, nhưng Australia, Chile và Peru không muốn thay đổi mốc thời gian 5 năm theo luật hiện hành. Trong khi đó, các công ty dược lập luận rằng giảm bảo hộ là giảm khuyến khích phát minh các loại thuốc mới. Các nước lo ngại rằng thời hạn bảo hộ độc quyền kéo dài sẽ đẩy giá thuốc tăng cao, hạn chế người bệnh với sinh dược mới. Trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán, vấn đề này đã được chuyển tới tổng thống mỗi nước để xem xét quyết định.
Trong bối cảnh như vậy, Quốc hội Mỹ cảnh báo nội các của ông Obama không nên vội vàng hoàn tất đàm phán vì lo ngại các nhà đàm phán có thể "đầu hàng" vào phút cuối và như vậy thỏa thuận sẽ không nhận được sự ủng hộ ở Đồi Capitol.
Dù vậy, Bộ trưởng Thương mại Australia, Andrew Robb cho biết, 12 nước tham gia TPP cam kết sẽ cố gắng hoàn tất thỏa thuận trong thời gian sớm nhất trong khi Thủ tướng New Zealand John Key và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akira Amari đều cho rằng, TPP đang đứng trước cơ hội hoàn tất. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ lạc quan rằng, TPP có thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay. Việc không thể hoàn thành TPP trong vòng đàm phán cuối tháng 7 tại Maui, Hawaii (Mỹ) vừa qua đã khiến Tổng thống B.Obama chịu sức ép nhất định. Và năm sau, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống nên Washington rất kỳ vọng TPP sẽ được ký vào cuối năm 2015. Giới chuyên gia nhận định, nếu TPP được ký kết trong năm nay thì đây là một thành công lớn, ghi dấu ấn cho Tổng thống B.Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ 2.
TPP đang mở ra một kết thúc "có hậu", một thỏa thuận cuối cùng hoàn toàn "trong tầm tay" khi các bộ trưởng tại Atlanta không ai muốn trở về nhà với hai bàn tay trắng.
Mỹ và Australia đạt thỏa thuận đột phá về sinh dược Đêm 4-10 (giờ Việt Nam), Hãng tin Reuters và nguồn tin từ phía Nhật Bản cho biết, Mỹ và Australia đã đạt được thỏa hiệp về thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược mới. Đây được coi là một bước đột phá, mở đường cho 12 nước tiến gần tới hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau rất nhiều lần lỡ hẹn. Và theo thỏa hiệp, thời gian giữ bảo hộ độc quyền sẽ là 8 năm, phù hợp với đề xuất mới nhất của phía Mỹ. |