Bài 7: Nâng cao chất lượng phục vụ
Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 04/10/2015
Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường là một trong nhiều công việc được TP Hà Nội đẩy mạnh trong những năm qua. Ảnh: Thái Hiền |
Cải cách hành chính là nhu cầu nội tại
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, chỉ số CCHC năm 2014 (PAR INDEX 2014) của các bộ và cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà Bộ Nội vụ công bố tháng 9 vừa qua đã đánh giá toàn diện từ bộ máy đến con người, từ cải cách đến hiện đại hóa nền hành chính nhà nước... Kết quả được đánh giá bằng cách kết hợp tự nhận xét của các bộ, các tỉnh, thành phố và thông qua điều tra xã hội học với hàng chục tiêu chí khác nhau, cho thấy: Khoảng cách giữa các bộ, ngành, tỉnh, thành phố thu hẹp, chỉ số chỉ đạo điều hành CCHC cao nhất so với các chỉ số khác. "Điều này thể hiện tinh thần phục vụ được nâng lên, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu, nghiêm túc nhận rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC" - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhận xét.
Cụ thể, tại Hà Nội, trong 8 lĩnh vực tương ứng 8 chỉ số thành phần, so với chỉ số CCHC năm 2013, năm 2014 có 7/8 chỉ số thành phần tăng, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo của thành phố trong công tác CCHC. Thông tin đáng lưu ý, chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đạt điểm 9,65%, đứng đầu cả nước. Cải cách TTHC đạt điểm tuyệt đối. Mảng hiện đại hóa hành chính đứng thứ hai cả nước. Chỉ số công tác chỉ đạo, điều hành CCHC tăng dần qua từng năm.
Điều gì khiến một thành phố trên 7 triệu dân, địa bàn rộng với lượng hồ sơ giao dịch hành chính lớn, nhiều biến động có thể vươn lên trở thành địa phương thành công trong triển khai TTHC? Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, không CCHC thì không thể nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Không nâng cao được chất lượng phục vụ thì không thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thành phố xác định CCHC là nhu cầu nội tại bắt buộc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị phải làm, chứ không phải vì xếp hạng.
Tiếp tục chỉnh đốn đội ngũ cán bộ
UBND thành phố đã chủ động ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013" nhằm đổi mới công tác điều hành, chấn chỉnh lề lối làm việc, tạo bước chuyển mạnh về kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Cùng với đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, Hà Nội là địa phương đi đầu thường xuyên kiểm tra đột xuất nhằm quản lý, giám sát thái độ, quy trình làm việc của CBCCVC.
Việc nâng cao chất lượng thể chế cũng được chú trọng. Qua rà soát, năm 2013, Sở Tư pháp Hà Nội trình UBND thành phố danh sách 438 văn bản cần hủy bỏ. Năm 2014, 2015, ngành Tư pháp Thủ đô tiếp tục tham mưu, kiểm soát chặt việc ban hành văn bản pháp quy, vào cuộc ngay từ đầu trong việc thẩm định, ban hành văn bản, làm cơ sở cho việc triển khai các kế hoạch của thành phố trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội còn nhiều bức xúc như: Xây dựng, trật tự đô thị, quản lý môi trường, xử lý vi phạm hành chính, tín dụng, ngân hàng, chống buôn lậu, gian lận thương mại..., qua đó kịp thời kiến nghị, đề xuất các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm ùn tắc giao thông...
Từ việc chú trọng công tác kiểm tra hệ thống văn bản, các sai sót văn bản về thể thức, nội dung giảm dần, hiện không phát hiện văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp. Trong quý II và quý III năm 2015, Hà Nội thực hiện hệ thống hóa các văn bản do HĐND và UBND thành phố ban hành từ ngày 1-8-2008 đến ngày 31-12-2014 thuộc lĩnh vực xây dựng, đất đai, thuế, phí và lệ phí. Đồng thời, phát hành tập hệ thống hóa văn bản do HĐND và UBND thành phố ban hành thuộc lĩnh vực xây dựng, đất đai, thuế, phí và lệ phí. Việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần sẽ được thực hiện chậm nhất vào ngày 30-1-2016 để các tổ chức, cá nhân quan tâm dễ dàng tra cứu, sử dụng.
Những năm tới, thành phố xác định sẽ tiếp tục CCHC, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa TTHC. Để đạt mục tiêu này, Sở Nội vụ Hà Nội đang xây dựng bộ chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ thành phố với những tiêu chí đánh giá sát thực tế, áp dụng từ giai đoạn 2016-2020. Công cụ này sẽ đưa ra thông báo về mức độ đạt được của công tác CCHC để các đơn vị nhìn vào, hoàn thiện mình, góp phần duy trì chỉ số CCHC của thành phố ở mức cao vào những năm tiếp theo. Quan trọng hơn, đây là căn cứ để thành phố đánh giá chính xác hoạt động của các sở, ngành, tìm giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ và tiếp tục chỉnh đốn đội ngũ cán bộ.
Ngoài đổi mới tự thân của mỗi địa phương, đơn vị, tại lễ công bố Chỉ số CCHC năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn kiến nghị với trung ương cần nghiên cứu đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp các công việc cho địa phương. Vì không ít việc nếu để địa phương, quận, huyện làm còn tốt hơn để trung ương hoặc thành phố thực hiện. Nhất là trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu làm gì cũng phải công văn xin ý kiến của trung ương, của bộ, ngành thì dễ mất cơ hội phát triển.