Bất cập hành lang an toàn đường sắt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 04/10/2015
Nếu đường bộ dành cho nhiều loại phương tiện giao thông cùng lưu hành thì đường sắt chỉ dành riêng cho tàu hỏa, đó là đặc thù của phương tiện giao thông này, chính vì đặc thù đó nên mới có Luật Đường sắt. Theo luật, hành lang an toàn đường sắt được quy định chi tiết, từ các công trình dân sinh hai bên đường đến việc trồng cây xanh phải cách chân đường sắt ít nhất là 3m. Không chỉ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng quy định đường sắt giao cắt với các đường ngang đi qua đô thị, khu dân cư đông đúc phải có các trạm gác, barie. Luật cũng nghiêm cấm việc tự ý mở các đường ngang dân sinh.
Luật và các văn bản dưới luật quy định là vậy, thế nhưng theo ngành Đường sắt, hành lang an toàn đường sắt liên tục bị xâm phạm. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà dân, các công trình ở những địa phương có đường sắt chạy qua tiếp tục vi phạm hành lang an toàn, có chỗ nhà dân chỉ cách chân đường sắt chưa đầy 2m. Thậm chí có nơi còn họp chợ trên đường sắt. Tại rất nhiều đường giao cắt với đường sắt, nhà dân vi phạm hành lang an toàn đã che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, lại thêm sự chủ quan, không để ý của họ đã dẫn đến tai nạn thương tâm. Cùng với vi phạm hành lang an toàn đường sắt thì các đường ngang do dân tự ý mở, thậm chí phá rào chắn do ngành Đường sắt xây dựng và những đường ngang dân sinh bất hợp pháp này thường không có trạm gác, không có thiết bị cảnh báo gây nguy cơ tai nạn cao. Và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn gây chết người.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cả nước hiện vẫn còn tồn tại khoảng 6.000 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, trong đó, khoảng 4.200 đường ngang dân sinh mở trái phép. Theo Bộ luật Hình sự, việc tự ý mở đường ngang trái phép cấu thành tội danh cản trở giao thông đường sắt, tội này ngoài phạt tiền còn có thể bị phạt tù với mức phạt là 3 năm. Tuy nhiên, nhiều năm nay chưa thấy bất cứ cá nhân hay nhóm người nào bị xét xử về tội danh này.
Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Chính phủ đã giao cho các tỉnh, thành phố quản lý các đường dân sinh giao cắt với đường sắt không có trạm gác của ngành Đường sắt. Song, nhiều địa phương vẫn coi đó không phải việc của mình. Bằng chứng là chưa có đường ngang mở trái phép nào bị cấm và cũng chưa bao giờ cảnh sát giao thông phạt người và phương tiện qua lại trên các đường ngang trái phép đó, vì thế nó vẫn ngang nhiên tồn tại và ẩn họa tai nạn. Để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt không chỉ có lỗi của chính quyền địa phương nơi có đường sắt chạy qua, mà còn có lỗi của chính những người điều khiển phương tiện. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 80% số vụ tai nạn đường sắt có nguyên nhân là sự bất cẩn của người điều khiển phương tiện: Chủ quan, không quan sát, cố tình vượt qua đường sắt dù biết tàu hỏa đang tới. Một nguyên nhân khác tuy là gián tiếp nhưng cũng góp phần gây ra tai nạn là mức xử phạt còn quá nhẹ, người cố tình qua đường khi có tín hiệu cấm chỉ bị xử phạt 50.000 đồng đến 60.000 đồng là không đủ sức răn đe.
Cũng như tai nạn đường bộ, tai nạn đường sắt không chỉ gây ra chết người và thương tật mà còn thiệt hại về vật chất và để lại hậu quả lâu dài cho gia đình, xã hội. Thiết nghĩ, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường sắt đã rất rõ ràng, nếu các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện nghiêm túc Luật Đường sắt và người tham gia giao thông ý thức rõ hơn về mạng sống của bản thân mình và những người khác thì chắc chắn tai nạn đường sắt sẽ giảm.