Nền kinh tế đang trên đà hồi phục

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 03/10/2015

(HNM) - Theo nhận định của các cơ quan chức năng, rất có thể kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng cao hơn hẳn so với dự báo.

- Ông cho biết nhận xét tổng quát về tình hình kinh tế nước ta từ đầu năm đến nay?

- Tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam đạt khoảng mức 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2011-2014 (9 tháng năm 2011 tăng 6,03%; 2012 tăng 5,1%; 2013 tăng 5,14% và 2014 tăng 5,53%). Đáng chú ý là, tất cả các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng dương, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao - là yếu tố quan trọng thúc đẩy GDP tăng cao như trên. Một số sản phẩm có sản lượng tăng cao trên 15% so với cùng kỳ là: Điện thoại di động, ô tô lắp ráp trong nước, ti vi, giày, dép da, thép cán, thức ăn gia súc... Đặc biệt, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sức hấp dẫn của nền kinh tế và thị trường Việt Nam. Cơ cấu kinh tế cũng tiếp tục chuyển dịch tích cực, với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chỉ số công nghiệp tăng cao là nhân tố thúc đẩy GDP. Ảnh: Bảo Lâm


- Ông có nhận xét gì về diễn biến CPI? Các yếu tố cần phân tích là gì?

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây: Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,04%; Sau 9 tháng CPI tăng 0,4% so với cuối năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào trong khi kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tiếp theo, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép… nên chỉ số giá nhập khẩu 9 tháng đầu năm so cùng kỳ đã giảm 4,5%, khiến giá bán trên thị trường đứng hoặc giảm so với trước. Đặc biệt, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới gần đây giảm mạnh; cụ thể giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ mức 110,47 USD/thùng (cuối năm 2013) xuống còn dưới 47 USD/thùng (thời điểm ngày 15-9-2015) nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm theo. Kết quả là chỉ số giá nhóm hàng "Nhà ở và vật liệu xây dựng" và "Giao thông" 9 tháng đầu năm 2015 lần lượt giảm 2,03% và 12,42%, so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm khá sâu. Bên cạnh đó, giá gas trong nước cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, với mức giảm 19,19% so với cuối năm trước và giảm 28,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ đã làm tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động là các yếu tố cơ bản bảo đảm kiềm chế lạm phát một cách bền vững. Thời gian qua, các địa phương, bộ, ngành đang quyết tâm thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm quan hệ cung - cầu, ổn định thị trường và an sinh xã hội. Công tác dự trữ hàng hóa, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương được triển khai có hiệu quả. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Trong 9 tháng qua, tỷ giá được điều chỉnh 3%, biên độ giao dịch tỷ giá cũng được tăng lên (+/-)3% nhằm ổn định thị trường ngoại hối, ứng phó kịp thời với tình hình biến động của thị trường tài chính của các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam và hỗ trợ xuất khẩu. Không có tình trạng "sốt vàng" gây bất ổn KT-XH. Thực tế cho thấy, trong 2 năm gần đây, CPI tăng thấp còn do yếu tố tâm lý, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn. Do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.

- CPI tăng thấp sẽ tác động đối với nền kinh tế ra sao?

- CPI tăng thấp như trên nên nhiều người cho rằng sức cầu của nền kinh tế suy giảm; tuy nhiên, sự lo ngại này không có cơ sở bởi sức mua của người dân liên tục được cải thiện thể hiện qua số liệu tổng mức bán lẻ 9 tháng đầu năm 2015 (sau khi đã loại trừ yếu tố giá tăng 9,38% trong khi các năm 2014, 2013, 2012 lần lượt là 6,22%; 6,83%, 6,53%). Ngoài ra, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của 9 tháng đầu năm 2015 đã cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh phát triển tốt như: GDP tăng trưởng cao; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn ít hơn số lượng đơn vị thành lập mới; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm khá thấp. Trong bối cảnh đó, CPI ở mức thấp hoàn toàn là do chi phí đẩy giảm (giá mặt hàng xăng dầu giảm mạnh) và điều này có lợi cho cả nền kinh tế cũng như người tiêu dùng. Khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định, tạo ra điều kiện cho các chính sách tiền tệ phát huy tác dụng, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.

Như vậy, có thể chắc chắn rằng CPI cả năm 2015 sẽ ở mức thấp, dưới 5% như đã được thông qua. Như vậy, nền kinh tế đang trên đà hồi phục rõ rệt, niềm tin kinh doanh đang trở lại, thị trường ổn định - là yếu tố quan trọng hàng đầu cho sản xuất và tiêu dùng...

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hồng Sơn