Bài 6: Tăng tốc cải cách thủ tục hành chính
Chính trị - Ngày đăng : 06:51, 03/10/2015
100% sở, ngành có hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO
Trước năm 2010, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng so với yêu cầu đề ra, công tác CCHC ở Thủ đô còn không ít vấn đề: Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn còn chồng chéo, trùng lặp; tiến độ giải quyết công việc chậm, hiệu quả thấp; phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận CBCCVC chưa đáp ứng nhiệm vụ, còn biểu hiện nhũng nhiễu, đùn đẩy. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị hội họp quá nhiều, gây lãng phí thời gian và kinh phí; bệnh quan liêu, công văn giấy tờ hành chính có xu hướng tăng gây bức xúc đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước…
Việc cải cách, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của Hà Nội được Trung ương đánh giá cao. Ảnh: Ngọc Châu |
Xác định những tồn tại, yếu kém trên một phần là do công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện ở một số cấp, ngành chưa đồng bộ. Người đứng đầu không ít cơ quan, đơn vị chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt… Đại hội XV Đảng bộ thành phố tiếp tục xác định đẩy mạnh CCHC là một trong hai khâu đột phá; Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa, xây dựng Chương trình số 08-CTr/TU về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2011-2015" với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản pháp quy của thành phố; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các tổ chức, cá nhân khi giao dịch giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)...
Hằng năm, Ban Chỉ đạo CCHC rà soát, đánh giá, giao các cơ quan chuyên môn của thành phố xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện; đồng thời thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện. Cùng với việc nghiêm túc đánh giá kết quả nhiệm vụ được giao, việc tuyên truyền phổ biến các nội dung CCHC được đẩy mạnh đến tận tổ dân phố đã mang lại hiệu quả cao. Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, công tác CCHC đã đạt được kết quả ở nhiều nội dung: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đã từng bước tạo dựng nền tảng để xây dựng thành công "chính quyền điện tử" của thành phố, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã áp dụng thành công hệ thống quản lý, điều hành theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008, quy trình giải quyết công việc được minh bạch, rõ trách nhiệm hơn, chất lượng công việc được nâng lên.
Những chuyển biến tích cực
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội là đơn vị tiên phong tổ chức thu, nộp BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) bằng hình thức giao dịch điện tử. Các so sánh cho thấy, nếu thực hiện giao dịch điện tử thì số lần, lượng thời gian mà người sử dụng lao động cần bỏ ra để thực hiện thủ tục giảm lần lượt là 30%, 50% và đặc biệt là giảm được các chi phí phát sinh cho các bên tham gia. Đồng thời giúp doanh nghiệp, người lao động giảm thiểu sai sót khi kê khai; xem được kết quả giao dịch ngay qua mạng. Với tiến độ hiện nay, đến cuối năm 2015 sẽ có 70% đơn vị thực hiện thu nộp BHXH, BHYT bằng hình thức giao dịch điện tử.
Với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch số 2 Hà Nội, tuy mới áp dụng thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết dịch vụ công theo cơ chế một cửa khoảng một năm nhưng theo đánh giá của nhiều người sử dụng dịch vụ, quy trình mới đã làm rõ hơn trách nhiệm, thời gian các phòng, ban tham gia cung cấp dịch vụ công về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và cung cấp nước sạch, thể hiện nỗ lực của hai đơn vị thí điểm, tạo thuận lợi hơn cho người sử dụng dịch vụ, rút ngắn thời gian giải quyết trên tinh thần đơn giản hóa tối đa thủ tục. Các quy trình thủ tục cung cấp dịch vụ công được công khai để cá nhân, tổ chức biết, tham gia giám sát, ngăn chặn hành vi sách nhiễu, cửa quyền của viên chức, nhân viên và củng cố lòng tin của người dân đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công. Từ mô hình này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu: Tiếp tục nghiên cứu mở rộng thực hiện tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước khác của Hà Nội thuộc các lĩnh vực: Tang lễ, y tế, giáo dục...
Trong hoạt động tư pháp, trong bối cảnh việc cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) vẫn còn rất chậm ở nhiều địa phương, Sở Tư pháp Hà Nội đã thống nhất quy chế phối hợp, cung cấp thông tin với Công an thành phố qua mạng, rút ngắn thời hạn giải quyết các hồ sơ cấp phiếu LLTP cho người nước ngoài tạm trú tại Hà Nội từ 15 ngày làm việc theo quy định tại Luật LLTP xuống còn 13 ngày làm việc, thực hiện từ tháng 8 vừa qua.
Ở cấp quận, huyện, 100% đơn vị đã thực hiện liên thông TTHC trong đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Hai đơn vị đạt kết quả cao nhất là quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Cụ thể, tại Nam Từ Liêm, thay vì người dân phải 6 lần đi lại với 27 ngày chờ đợi, thì nay chỉ cần 2 lần đến UBND phường và 5-7 ngày đã nhận được 3 kết quả gồm giấy khai sinh, thẻ BHYT và đăng ký hộ khẩu thường trú. Cùng với thực hiện mô hình liên thông ba trong một, UBND quận còn áp dụng việc liên thông với 2 thủ tục là đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú; cấp lại bản chính khai sinh. Theo Công an quận Nam Từ Liêm, trước đây, có không ít người đến làm giấy khai sinh xong lại không đăng ký thường trú, hoặc đến khai tử nhưng không đăng ký xóa thường trú nên đôi lúc công tác cập nhật thông tin, quản lý hộ khẩu chưa kịp thời.
Những chuyển biến tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính đã được người dân ghi nhận. Chất lượng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cũng được nâng lên tạo tiền đề quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.