Lòng tin về một nền hòa bình
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:32, 03/10/2015
Phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon tại lễ thượng cờ Palestine sáng 1-10 (giờ Hà Nội) tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ) đã nói lên niềm khát khao bấy lâu của người dân Palestine về một nền hòa bình đích thực ở "lò lửa" Trung Đông.
Lễ thượng cờ lần đầu tiên của Palestine tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). |
Lễ thượng cờ diễn ra 20 ngày sau khi Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu phê chuẩn nghị quyết cho phép Palestine có được thượng cờ hay không tại trụ sở LHQ. Với 119 quốc gia bỏ phiếu thuận (45 quốc gia bỏ phiếu trắng và 8 quốc gia bỏ phiếu chống) niềm tự hào của một dân tộc đã được cả thế giới biết đến. Israel và Mỹ phản đối khi cho rằng đó chỉ là "hành động mang tính biểu tượng", không thể mang đến hòa bình cho khu vực. Vì thế, sự kiện lần đầu tiên lá cờ của Palestine tung bay cùng với quốc kỳ của 193 thành viên tại trụ sở LHQ ở New York không chỉ mang tính biểu tượng mà là một dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngoại giao Palestine: Khẳng định không mệt mỏi của người dân Palestine hướng tới một nhà nước độc lập và sự thật đã trở thành một Nhà nước độc lập.
Đây cũng là khát khao cháy bỏng và cả những buồn đau của người dân Palestine trong hành trình gian nan gần 70 năm qua để được thế giới công nhận. Với người Palestine, lễ thượng cờ còn là khoảnh khắc lịch sử của một dân tộc mang nỗi đau quá lâu về một tổ quốc không được thừa nhận; một dân tộc với những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, người dân bị xua đuổi, bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất.
Thực tế, nền hòa bình Trung Đông vẫn là một thứ gì đó xa vời khi xung đột bạo lực triền miên biến nơi đây thành "thùng thuốc súng" có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào. Chỉ một cuộc chiến kéo dài 7 tuần ở Dải Gaza năm 2014 cũng khiến gần 2.200 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Nhiều thỏa thuận hướng tới hòa bình đã được ký rồi lại bị "xé bỏ" khi chưa kịp ráo mực. Trong đó phải kể đến Hiệp định hòa bình Oslo ký ngày 13-9-1993 giữa Thủ tướng Israel Yizhak Rabin và Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Theo Hiệp định, phía PLO từ bỏ cái gọi là khủng bố cùng các hình thức bạo động; đồng thời thừa nhận quyền sống của người Israel trong hòa bình và an ninh. Đổi lại, Israel "công nhận PLO như là đại diện của nhân dân Palestine" và bắt đầu thương thuyết với PLO. Thế nhưng, Hiệp định hòa bình Oslo trên thực tế chỉ tồn tại trên giấy.
Xung đột Israel - Palestine vẫn luôn là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhiều thập kỷ qua. Vòng đàm phán hòa bình hướng đến việc thành lập một Nhà nước Palestine trong vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967, sụp đổ tháng 4-2014 sau 9 tháng thương lượng dưới sự bảo trợ của Mỹ sau khi Palestine thông báo việc thành lập một chính phủ đoàn kết với phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Bên cạnh đó, Palestine cũng cáo buộc Israel khiến lộ trình hòa bình đình trệ khi Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jerusalem - những khu vực dự kiến là một phần của Nhà nước Palestine tương lai. Thực chất và cốt lõi nhất trong vấn đề hòa bình ở Trung Đông vẫn là mối quan hệ "đồng sàng dị mộng" giữa Israel và Palestine. Vùng đất có vị trí địa - chính trị đặc biệt này đã khiến các nước lớn xem đây như một quân cờ quan trọng trên bàn cờ chiến lược. Do đó, lễ thượng cờ vừa diễn ra đã đem lại cho người dân Palestine hy vọng để tiếp tục bền bỉ vượt qua khó khăn trong hành trình hướng đến hòa bình và công lý.
Palestine đã trở thành một Nhà nước quan sát viên phi thành viên của LHQ ngày 29-11-2012, cuộc bỏ phiếu lịch sử này khi đó đã nhận được sự ủng hộ của 138 quốc gia (9 nước chống và 41 nước bỏ phiếu trắng) trong tổng số 193 nước thành viên. Sự kiện 119 nước thành viên ủng hộ cờ của người dân Palestine tung bay tại trụ sở LHQ trên cho thấy nhân dân Palestine không đơn độc trong công cuộc tìm kiếm hòa bình đích thực. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ trước lễ thượng cờ, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas đề nghị LHQ chấp nhận Palestine làm thành viên đầy đủ khi khẳng định rằng: Palestine xứng đáng được công nhận như vậy.