Vì sao nước Mỹ không thể kiểm soát súng đạn?

Thế giới - Ngày đăng : 16:03, 02/10/2015

(HNMO) - Theo thống kê của Huffingtonpost, kể từ năm 2011 đến nay, số vụ xả súng tại Mỹ đã tăng gấp 3 lần và cướp đi sinh mạng 30.000 người mỗi năm. Nếu không có sự thay đổi, không ai dám chắc, con số này không tăng gấp 4, thậm chí 5 lần. Câu hỏi đặt ra là, tại sao nước Mỹ không thể kiểm soát súng đạn?

Từ các mạng xã hội tại Mỹ như Twitter, Facebook, blog chính trị,.. cho tới các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, đài phát thanh tràn ngập những lời yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này.

Sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng Umpqua bàng hoàng sau vụ xả súng.


Theo thống kê của Huffingtonpost, kể từ năm 2011 đến nay, số vụ xả súng tại Mỹ đã tăng gấp 3 lần và cướp đi sinh mạng 30.000 người mỗi năm. Nếu không có sự thay đổi, không ai dám chắc, con số này không tăng gấp 4, thậm chí 5 lần. Câu hỏi đặt ra là, tại sao nước Mỹ không thể kiểm soát súng đạn?

Yếu tố văn hóa, lịch sử

Tác giả Lev Raphael trên tờ Huffingtonpost nhận định, nếu không hiểu văn hóa sử dụng súng, bạn không hiểu nền văn hóa Mỹ. Những khẩu súng đã gắn liền với lịch sử nước Mỹ. Những người châu Âu đầu tiên đặt chân tới vùng đất mới để khai hoang, lập nên nước Mỹ ngày nay đã sử dụng những khẩu súng như vật bất ly thân để tự vệ, chống lại thú dữ và xây dựng nên những vùng đất đai trù phú đặt dưới sự thống trị của thực dân Anh. Để bảo vệ thành quả khai hoang, những người Mỹ đầu tiên đã lập nên những nhóm quân dân có vũ trang. Khi thực dân Anh muốn tước quyền sử dụng súng của những người này, họ đã không nộp, đồng thời kêu gọi tiến hành chiến tranh độc lập với Anh và giành thắng lợi.

Những khẩu súng gắn liền với lịch sử và văn hóa Mỹ.


Ngày nay, có thể thấy việc sử dụng súng đạn đã thấm sâu vào nền văn hóa Mỹ, từ sách báo, phim ảnh đến truyền hình.

Quyền tự do cá nhân

Theo Giáo sư ngành xã hội học Jim Taylor tại ĐH Ohio, nhiều người Mỹ xem việc sở hữu súng đạn là quyền, và cũng là biểu tượng của sự tự do cá nhân. Những vụ xả súng xảy ra gần như cơm bữa tại Mỹ, một mặt khiến người dân bàng hoàng, mong muốn chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng súng đạn, nhưng mặt khác, nhiều người lại có tâm lý muốn sở hữu súng bên mình để có thể tự vệ trong trường hợp bạo lực xảy ra. Họ cho rằng, cảnh sát thường chỉ có mặt sau khi vụ việc xảy ra, vì thế, nếu cấm sử dụng súng, họ sẽ không thể bảo vệ chính mình.

Một cửa hàng bán súng tại Mỹ.


Những người phản đối kiểm soát súng cho rằng: “Những khẩu súng không giết người, chỉ có người mới giết người”, nghĩa là việc cấm sử dụng súng không phải là giải pháp ngăn chặn tội phạm, việc ngăn chặn tội ác phải bắt đầu từ con người.

Vấn đề chính trị

Giáo sư Robert Spitzer chuyên ngành lịch sử thuộc ĐH Princeton lý giải, nỗ lực kiểm soát súng đạn tại Mỹ liên tiếp thất bại là do vị thế của Đảng Cộng hòa và sức mạnh vận động hành lang chính trị của các nhà sản xuất súng đạn. Phần lớn các nghị sỹ Đảng Cộng hòa đều ủng hộ sở hữu súng đạn, một phần là do họ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cử tri trong ngành công nghiệp vũ khí. Trong khi đó, các nghị sỹ Đảng Dân chủ kêu gọi kiểm soát súng, nhưng ứng viên Đảng này lại thường để mất lá phiếu ủng hộ trong các cuộc bầu cử vì chính tư tưởng này.

Vẻ thất vọng trên gương mặt Tổng thống Barack Obama khi có bài phát biểu sau vụ xả súng tại Oregon.


Chỉ vài giờ sau vụ xả súng tại bang Oregon, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giận dữ kêu gọi thắt chặt luật kiểm soát súng đạn. Ông Obama thừa nhận: “Vì một lẽ nào đó, điều này đang trở nên quen thuộc. Tin tức về các vụ xả súng cũng xuất hiện thường xuyên. Phản ứng của tôi sau mỗi vụ xả súng trên chiếc bục này cũng trở nên quen thuộc. Chúng ta đã trở nên tê liệt trước những vụ việc như thế này”.

Liệu những nỗ lực kiểm soát súng đạn của chính quyền Tổng thống Obama có phát huy tác dụng, hay giống như những vụ xả súng trước đây, những lời kêu gọi đều đã rơi vào quên lãng?

Thanh Hà