Nhiều khoảng trống khó lấp đầy

Công nghệ - Ngày đăng : 07:01, 02/10/2015

(HNM) - Hà Nội hiện có khoảng 117.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm tới 95% và là khối cung cấp việc làm cho 65% lao động. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của khối này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.


Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan khảo sát hiện trạng ứng dụng CNTT của gần 200 DNVVN trên địa bàn và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc thành phố. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở TT-TT Đặng Vũ Tuấn, việc ứng dụng CNTT còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở mức ứng dụng cơ bản, nhỏ lẻ chưa mang tính tổng thể. Các DN chưa quan tâm đầy đủ đến việc bảo đảm an toàn, an ninh, xây dựng môi trường chính sách, đầu tư nguồn nhân lực CNTT.

Các DN cũng đã quan tâm sử dụng các phần mềm diệt virus cho các máy trạm, nhưng phần lớn chưa áp dụng các giải pháp an toàn thông tin cho hệ thống mạng, cho các máy chủ và dữ liệu. Về ứng dụng phần mềm, hơn 90% DN có ứng dụng website và sử dụng hệ thống thư điện tử miễn phí. Một số DN đã ứng dụng các phần mềm quản lý nhân sự, kế toán tài chính, quản lý quan hệ khách hàng, mua hàng, quản lý tồn kho, quản lý dự án… Tuy nhiên, điều đáng nói là các phần mềm này không được quản lý tập trung, sử dụng rời rạc trong nội bộ DN và thiếu tính tổng thể.

Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp
ở Hà Nội còn nhiều hạn chế.


Về nhân lực, chỉ 18% DN có phân công một lãnh đạo phụ trách về CNTT, 30% DN có cán bộ chuyên trách về CNTT, 38% DN có hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho cán bộ CNTT. Về đầu tư, mỗi năm các DN này chỉ chi 0,15-0,3% trên tổng doanh thu của đơn vị cho ứng dụng CNTT, chủ yếu dành cho mua sắm thiết bị phần cứng, mạng và dịch vụ.

Những thông tin trên cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong DNVVN, DNNN thành phố đã có những tiến bộ. Song lại nổi lên vấn đề, các DN vẫn chưa coi trọng yếu tố ứng dụng tổng thể để phục vụ công tác điều hành chỉ đạo. Hay nói một cách khác, ứng dụng CNTT vẫn chỉ phục vụ ở từng khâu và chưa có sự kết nối để thấy được đội ngũ quản lý lãnh đạo cấp cao vẫn điều hành đơn vị bằng ứng dụng hệ thống CNTT. Trong đó còn có việc các DN này cũng chưa dành sự đầu tư thích đáng cho hệ thống an toàn thông tin và điều này sẽ tiềm ẩn nguy hiểm khi môi trường an ninh mạng có nhiều rủi ro…

Hẳn không ít ý kiến cho rằng, những hạn chế này vẫn là tồn dư của các năm trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự kết nối về ứng dụng trong từng DN và giữa DNVVN, DNNN với DN CNTT vẫn còn hạn chế… Vậy, sau khi khảo sát và công bố các con số này, Sở TT-TT với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố về việc ứng dụng CNTT trên địa bàn có giải pháp gì để hỗ trợ cộng đồng DN này?

Theo Sở TT-TT, việc còn tới 70% DN chưa có cán bộ chuyên trách CNTT dẫn tới đơn vị chưa đáp ứng được nhu cầu về ứng dụng và đây là lực lượng cần hỗ trợ đào tạo. Hằng năm, Sở cũng đã mở các chương trình, khóa đào tạo cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách CNTT… do vậy các DN có thể có căn cứ để tìm hiểu, đăng ký. Sở cũng sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc gặp gỡ, trao đổi làm cầu nối giữa cộng đồng DN với các DN cung cấp giải pháp, sản phẩm CNTT để các bên có sự hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT từ đó đem lại lợi ích cho DN. Đặc biệt, với các DNNN thành phố, Sở cũng sẽ đề xuất với UBND thành phố đưa các tiêu chí ứng dụng CNTT vào đánh giá, xếp hạng hằng năm, nhằm thúc đẩy khối DNNN đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào SXKD. Với những biện pháp trên hy vọng hoạt động ứng dụng CNTT trong DN giai đoạn tới sẽ có nhiều khởi sắc.

Việt Nga