"Mở cửa" cho nông nghiệp Hà Nội vươn xa
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 02/10/2015
Đồng thời, trung tâm cũng làm cầu nối với các địa phương khác để đưa sản phẩm nông nghiệp sạch về Hà Nội, xây dựng chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá bán cho người sản xuất.
Ngay từ khi thành lập, trung tâm đã tập trung kiện toàn công tác cán bộ nhằm bảo đảm đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng đủ về số lượng, đáp ứng chất lượng. Về hoạt động chuyên môn, trong năm 2014, trung tâm đã tổ chức được 2 hội chợ chuyên ngành với khoảng 400 gian hàng, thu hút 5 vạn người tới tham quan và mua sắm, doanh thu đạt khoảng 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, trung tâm đã tham gia 10 hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, đưa được trên 80 lượt cơ sở sản xuất và DN có sản phẩm tiêu biểu của Hà Nội tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác và thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức được 15 đoàn cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đi kết nối giao thương tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với lĩnh vực liên kết đầu tư sản xuất và chuyển giao kỹ thuật, đã ký kết được 12 hợp đồng liên kết cung cấp sản phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, với hàng vạn hệ thống biogas và hàng nghìn tấn phân bón các loại, hàng trăm con giống bò BBB, hàng vạn cây ăn quả giống các loại như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, thanh long ruột đỏ... được chuyển đến Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang...
Đối với việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua các đoàn hợp tác, trung tâm đã đưa 70 lượt DN liên kết tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh, thành phố. Hiện các DN đã kết nối được với trên 40 cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố, trong đó có trên 30 hợp đồng được ký kết, với hơn 60 chủng loại sản phẩm đang dần có mặt tại thị trường Hà Nội như: Mật ong Phong Thổ, chè Vĩnh Tân, miến dong ở Tuyên Quang, vú sữa Lò rèn, bưởi Năm roi, bưởi Da xanh, nước mắm Cát Hải, chả mực Hạ Long, khoai lang tím Vĩnh Long...
Đồng thời, trung tâm đã tiếp đón trên 20 đoàn công tác trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Lào, Hàn Quốc tìm hiểu về tiềm năng phát triển nông nghiệp và chuỗi hệ thống phân phối nông sản thực phẩm của Hà Nội. Ngoài ra, xác định được điểm yếu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, từ người sản xuất, DN phân phối, người bán lẻ và người tiêu dùng, 2 năm qua trung tâm đã tổ chức trên 30 lớp tập huấn cho gần 2.000 học viên về kỹ năng liên kết nhóm sản xuất, tiếp cận thị trường, văn hóa DN, bán hàng và chăm sóc khách hàng, nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị…
Bên cạnh những mặt đạt được, trung tâm cũng còn nhiều khó khăn do tổ chức bộ máy và cán bộ làm chuyên môn chưa hoàn chỉnh. Công tác phối hợp với các DN sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tuy đã được chú trọng song số lượng các DN liên kết tiêu thụ sản phẩm kết nối với trung tâm chưa nhiều. Công tác dịch vụ không được triển khai thực hiện do điều kiện con người, cơ sở vật chất chưa đáp ứng...
Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục bám sát vào chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện tốt các chương trình, mô hình chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp. Đơn vị cũng tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin và quảng bá những thành tựu, các sản phẩm tiêu biểu về nông sản, thực phẩm chất lượng cao của ngành Nông nghiệp và sản phẩm làng nghề Hà Nội đến với DN và người tiêu dùng trong và ngoài thành phố; đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trung tâm cũng mở nhiều lớp tập huấn trong và ngoài nước cho đối tượng là người sản xuất, DN, kênh bán lẻ nhằm nâng cao nhận thức về liên kết nhóm, sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị; tổ chức tuần lễ nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền tại Hà Nội nhằm tăng cường quảng bá giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương trong cả nước tới người tiêu dùng Thủ đô, từ đó tăng cường hiệu quả kết nối giao thương...