Phạt nặng là cần thiết, nhưng chưa đủ
Giao thông - Ngày đăng : 06:55, 02/10/2015
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, có những hành vi bị xử phạt cao gấp 5-10 lần so với quy định hiện hành là không phù hợp với mức thu nhập của người dân, nhất là người nghèo đô thị hoặc người dân ở các vùng sâu, vùng xa nơi dân trí còn thấp. Sự không phù hợp này sẽ khiến cho việc thực thi gặp khó khăn.
Theo các thành viên ban soạn thảo, chỉ những hành vi nguy hiểm mới tăng nặng mức phạt để răn đe. Việc đề xuất tăng mức xử phạt đều căn cứ vào yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an toàn giao thông. Ví dụ như hành vi đi xe máy vào đường cao tốc là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông do các xe ô tô đang lưu hành trên đó với tốc độ rất lớn. Trong khi người đi xe mô tô có tư tưởng là đang đi "trộm" vào đường cao tốc, có tâm lý lo lắng. Trường hợp phải tránh xe chạy tốc độ cao sẽ rất dễ xảy ra tai nạn thảm khốc. Vì vậy, việc ngăn ngừa, cấm xe mô tô đi trên đường cao tốc cần phải có mức phạt cao để răn đe...
Hay như hành vi lạm dụng uống rượu bia khi tham gia giao thông là rất nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội, là nguyên nhân cao gây tử vong hoặc chấn thương sọ não. Nhiều người viện đủ lý do để "quá chén" như nhân ngày lễ tết, liên hoan… và rồi "vô tư" nộp phạt bởi mức phạt quá nhẹ. Cũng có thể sau lần nộp phạt ấy là tai nạn xảy ra. Do đó, tăng mức phạt cao là cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn cần phải nhấn mạnh, điều chỉnh mức phạt chỉ là một trong nhóm các giải pháp trọng tâm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đây cũng chỉ là hướng hoàn thiện chế tài về xử phạt. Để đạt hiệu quả cao trong công tác này, ngoài việc điều chỉnh mức phạt phù hợp, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Cùng với đó công tác tuần tra, phát hiện, xử lý vi phạm phải nghiêm. Nếu chỉ tăng mức phạt mà không triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp trên thì chế tài mạnh cũng không có tác dụng, thậm chí còn tạo điều kiện cho tiêu cực hoành hành.