Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng

Chính trị - Ngày đăng : 06:19, 02/10/2015

(HNM) - Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015 có chủ đề


Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

- 5 năm qua (2010-2015), thực hiện mục tiêu của Đại hội Thi đua yêu nước thành phố, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, Hà Nội đã có những bước chuyển biến mới, tích cực, toàn diện... Đồng chí có thể cho biết một số thành tích nổi bật?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Phát huy truyền thống Thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng; thực hiện Chỉ thị số 39 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, thực hiện mục tiêu của Đại hội Thi đua yêu nước thành phố giai đoạn 2010-2015, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, công tác thi đua khen thưởng của TP Hà Nội tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Thủ đô. Nổi bật là Thủ đô đã hoàn thành ba mục tiêu lớn: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Phong trào thi đua yêu nước trong ngành Giáo dục Thủ đô đã góp phần xây dựng thế hệ trẻ giàu tri thức, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.Ảnh: Viết Thành


Năm năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. GRDP bình quân 5 năm ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 3.570-3.660 USD/người, tăng 1,73-1,78 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế và tỷ trọng các nhóm ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Liên kết kinh tế vùng được mở rộng, đặc biệt là liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng với Thủ đô đạt kết quả tích cực. Hà Nội thực hiện tốt vai trò là trung tâm tài chính - ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Bắc và cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm ước đạt 714,5 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.

Chi ngân sách địa phương trên 272,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,7%/năm, cơ bản bảo đảm cân đối chi thường xuyên và tập trung cho đầu tư phát triển. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị được chú trọng, một số lĩnh vực trọng điểm có chuyển biến tốt hơn. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống của nông dân, đưa thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng gấp gần 2 lần trong 5 năm qua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,09% (năm 2011) xuống chỉ còn 1,91% (tháng 1-2015). Khoa học - công nghệ được đẩy mạnh; giáo dục Thủ đô tiếp tục được đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; thể dục thể thao Thủ đô tiếp tục phát triển, một số chỉ tiêu khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, là đơn vị chủ lực của thể thao thành tích cao Việt Nam tại các đấu trường quốc tế và khu vực; văn hóa tiếp tục phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả đáng ghi nhận; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững; quốc phòng được củng cố, tăng cường; hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển được mở rộng và tăng cường, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Thủ đô.

Công tác cải cách thủ tục hành chính là một trong nhiều hoạt động được TP Hà Nội đẩy mạnh trong những năm qua và có chuyển biến tích cực.Ảnh: Bảo Kha


Có thể nói, 5 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Diện mạo thành phố thay đổi nhanh chóng và ngày càng khởi sắc, tạo ra bước chuyển biến mới, toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động, hoàn thành và vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu đại hội đề ra.

- Vậy, thưa đồng chí Chủ tịch, đâu là nét riêng của phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô Hà Nội?


Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản chỉ đạo của trung ương, 5 năm qua, lãnh đạo TP Hà Nội luôn đặt phong trào thi đua yêu nước vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của Thủ đô. Công tác thi đua khen thưởng của Thủ đô đã thực sự có những bước đổi mới cả về nội dung và hình thức. Ngoài việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi đua khen thưởng, hằng năm thành phố đều tổ chức phát động thi đua, gắn các phong trào thi đua với việc đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Phong trào thi đua được tập trung phát động theo chuyên đề, theo đợt, gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó của thành phố. Theo đó, từng năm, thành phố đều xác định chủ đề, các khâu đột phá như: Năm 2012 phát động thi đua tập trung thực hiện "Năm quy hoạch", năm 2013 là "Năm kỷ cương hành chính"; năm 2014, năm 2015 là "Năm trật tự và văn minh đô thị". Có thể nói qua việc lựa chọn khâu đột phá trong năm để phát động thi đua đã làm phong trào thi đua thực chất hơn, hiệu quả hơn, thu hút sự tham gia của đông đảo các cấp, các ngành, cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đây có thể coi là nét riêng của Hà Nội.

- Trong phong trào thi đua yêu nước nói chung, các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến vẫn là những hạt nhân quan trọng. TP Hà Nội đã quan tâm, nhân rộng những mô hình, điển hình này như thế nào, thưa đồng chí?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Phong trào thi đua yêu nước tại Hà Nội 5 năm qua đã diễn ra trên quy mô rộng lớn, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Ở mỗi lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng trong xã hội đều có sự gắn bó với một hoặc một số phong trào cụ thể, thiết thực và có hiệu quả. Từ kết quả của phong trào thi đua yêu nước, nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã xuất hiện. Đặc biệt năm 2015, Hội đồng Thi đua khen thưởng thành phố phát động sâu rộng cuộc thi "Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt". Thông qua cuộc thi, phong trào người tốt, việc tốt của Thủ đô được lan tỏa, được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cá nhân tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, "người tốt, việc tốt" tiêu biểu để các cấp, các ngành kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng, là điều kiện để bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Cách thức biểu dương, khen thưởng cũng ngày càng được đổi mới theo hướng kịp thời, tôn vinh xứng đáng, đặc biệt là tổ chức thi đua cùng điển hình tiên tiến, tuyên truyền sâu rộng, tổ chức giao lưu với các điển hình tiên tiến để mọi người cùng biết, học tập và noi theo.

- Đồng chí Chủ tịch có thể cho biết những bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước của TP Hà Nội 5 năm qua?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Chúng tôi cho rằng, kinh nghiệm đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Các cấp, các ngành, các địa phương cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) "Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" và các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng gắn với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị. Phong trào thi đua phải xác định được chủ đề, mục đích, ý nghĩa, hình thức, nội dung và tiêu chí thi đua cụ thể. Cùng với đó là cách tổ chức việc phát hiện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt phải được làm thường xuyên qua cuộc thi, qua các đợt sơ, tổng kết phong trào, qua tổ chức giao lưu cùng điển hình tiên tiến để việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến trở thành việc làm thường xuyên và sâu rộng.

Các cấp thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; bố trí cán bộ ổn định, cán bộ làm công tác thi đua có trình độ, năng lực, thông thạo về chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm với phong trào. Bài học kinh nghiệm không thể thiếu là phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời những khiếu nại tố cáo của tổ chức, công dân về thi đua, khen thưởng; tiến hành tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua.

- Thực tiễn cho thấy, phong trào thi đua có lúc, có nơi vẫn còn mang tính hình thức, thành phố có giải pháp gì để đẩy mạnh phong trào bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn mới, thưa đồng chí?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Đúng là vẫn còn những vấn đề cần phải quan tâm để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, để phong trào thấm sâu vào đời sống xã hội, thôi thúc nhà nhà, người người cùng thi đua đóng góp thiết thực xây dựng Thủ đô, đất nước. Trong thời gian tới, chủ trương của lãnh đạo thành phố là tiếp tục đổi mới toàn diện về công tác thi đua, khen thưởng. Thành phố đã ban hành Chương trình hành động đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015-2020, trong đó đề ra từng nội dung, phần việc, có lộ trình cụ thể, giao cho các đơn vị thuộc thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án tổ chức thực hiện nhằm đẩy mạnh, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua theo hướng rộng khắp, thường xuyên, liên tục. Bên cạnh các mô hình, phong trào thi đua đang được triển khai sẽ tổ chức thêm nhiều mô hình, phong trào mới phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.

- Cảm ơn đồng chí Chủ tịch đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Quốc Bình