Đẩy lùi cái xấu, cái ác ở đời
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:26, 01/10/2015
Ông Vân "ma túy"...
Vân "ma túy"… là biệt danh đã gắn với người cựu binh Nguyễn Viết Vân hơn 10 năm nay, kể từ khi ông đảm nhận trách nhiệm hoàn lương cho người có quá khứ lầm lỡ trong xã hội. Sinh năm 1946, người con quê hương Xuân Phương - Từ Liêm chọn an cư ở phường Kim Mã - Ba Đình sau khi giải ngũ. Những năm 90 của thế kỷ trước, những địa điểm như đường Thanh Bảo, Bến xe Kim Mã, khu ngoại giao đoàn… gần nơi ông sống nhức nhối về tệ nạn ma túy, mại dâm, trộm cắp...
Ông Nguyễn Viết Vân - Chủ nhiệm CLB B93 phường Kim Mã. |
Sau mỗi chuyến xe khách chuyển bánh tại bến lại xuất hiện hàng chục kim tiêm vương vãi. Ở phố Thanh Bảo dài vài trăm mét, ma túy dễ như "mua mớ rau". Riêng đường này có tới gần 30 đối tượng buôn bán ma túy. Những năm đó, phường có hơn 200 người nghiện. Bức xúc với thực trạng ấy, ông Vân đề nghị với công an địa phương lập chốt bảo vệ để đẩy lùi tệ nạn và nhận được sự đồng ý. Ông lập chốt ngay gần Bến xe Kim Mã, khi phát hiện các đối tượng sử dụng, buôn bán ma túy là đưa về trụ sở công an phường và chính ông là người trực tiếp gặp gỡ, khuyên bảo đối tượng. Ông nhờ công an lên danh sách, bóc tách, phân loại các đối tượng này sau đó kêu gọi một số tình nguyện viên, thậm chí có người trước đó đã từng nghiện ma túy cùng làm. Tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn đã có phần lắng xuống.
Bắt giữ người nghiện như "bắt cóc bỏ đĩa" nếu không giải quyết vấn đề tận gốc, ông nghĩ đến việc sẽ cảm hóa, giúp đỡ người nghiện, người có tiền án hoàn lương và tạo lập nghề nghiệp ổn định. Kết quả là nhóm "Đoàn kết", "Bạn giúp bạn" ra đời. Năm 2001, Câu lạc bộ B93 phường Kim Mã được thành lập để giúp những người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, ông được bầu làm chủ nhiệm.
Từ đó, mỗi ngày ông Vân gặp gỡ, động viên, tìm hướng giải quyết đối với những người nghiện trong phường. Câu nói quen thuộc của ông Vân là "Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Ông Vân ý thức được rằng, với người nghiện, đôi khi chỉ một ánh mắt, một câu nói khác thường của hàng xóm hay người khác đều khiến họ bực bội. Vì thế, ông vận động hàng xóm xóa bỏ kỳ thị và tế nhị trong giao tiếp với những người lầm lỡ. Thời gian đầu, không ai nghe ông và không thoải mái khi ông can thiệp vào chuyện riêng của họ. Thậm chí, nhiều đối tượng còn thù ghét ông ra mặt vì... "chỉ điểm" cho công an. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và tấm lòng chân thành, ông Vân đã cảm hóa được không ít người trong số họ.
Để giúp người lầm lỡ có việc làm, vợ chồng ông đã nhất trí bán chiếc xe máy duy nhất của gia đình lấy tiền mua máy ép nước mía tạo việc làm cho những học viên trong CLB. Gần 15 năm qua, ông đã tạo việc làm cho 36 người sau cai với việc sửa xe máy, bán nước giải khát.
17 người trong số đó trưởng thành, làm ăn phát đạt, 8 hội viên khác tham gia câu lạc bộ cũng được ông mai mối có gia đình hạnh phúc.
... và chuyện vác tù và hàng tổng
Giúp không ít người nghiện hoàn lương nhưng ông Vân cũng trở thành cái gai trong mắt những kẻ bất hảo, không ít lần ông bị họ tìm để trả thù. Nhiều lần bị đám nghiện ngập cầm dao tìm "tính sổ", nhiều lần ông Vân đã thi gan với các đối tượng cộm cán. Một lần, ông Vân đến nhà đối tượng cứng đầu khuyên nhủ hoàn lương. Hắn dọa dẫm, thách thức ông Vân thi gan với hắn: "Dao đây, giờ tôi chặt tay ông và ông chặt tay tôi. Ông dám làm thì tôi chịu thua". Biết bị "nắn gân", ông Vân điềm nhiên: "Muốn thử thì đưa dao đây, tự tôi sẽ chặt tay mình chứ không cần đến anh". Qua trò chuyện, gã giang hồ càng kính trọng và theo ông Vân hoàn lương. Nhiều lần ông Vân bị tìm gây chuyện, bị in tờ rơi bêu xấu… gia đình khuyên ngăn nhưng ông vẫn động viên mọi người hiểu cho tâm lý của người nghiện. Anh Nguyễn Trung Lý, sau khi được ông Vân khuyên nhủ tu chí làm ăn, hiện là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Trong lần sinh hoạt CLB, anh nói rằng: "Tôi từng là một thứ bỏ đi, bị đời ném vào sọt rác nhưng bố Vân kéo tôi về để tôi không thành phế phẩm".
Các hội viên CLB B93 phường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) học nghề sửa chữa xe máy. Ảnh: Hải Trần |
Ngoài việc tạo điều kiện cho hàng chục người vươn lên làm kinh tế giỏi, ông Vân còn là ông mối "mát tay" khi đứng ra dựng vợ gả chồng cho 9 cặp. Trường hợp anh Lê Văn Thanh từng vào tù và yêu một cô gái nết na tận Tuyên Quang. Đôi trẻ yêu nhau nhưng gia đình nhà gái phản đối kịch liệt. Vì Thanh không còn bố mẹ, ông Vân lên gặp nhà gái, kể về Thanh và những nỗ lực vượt qua chính mình của anh. Trước tình cảm chân thành của đôi trẻ, hiểu được hoàn cảnh và nghị lực của Thanh qua lời kể của ông Vân, nhà gái cũng đồng ý và giờ vợ chồng Thanh sống rất hạnh phúc.
Kinh phí hoạt động của CLB eo hẹp, mỗi tháng ông Vân tự trích tiền lương hưu của mình để hỗ trợ. CLB B93 thực sự trở thành mái nhà chung cho người có quá khứ lầm lỡ vào mỗi tối thứ năm hằng tuần, bất kể mưa gió. Vài tháng gần đây, ông Vân đau yếu, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện nhưng CLB vẫn thường xuyên "sáng ánh đèn". Lý giải cho việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", người cựu chiến binh có đôi mắt biết cười này nói rằng: "Không có ai muốn mình nghiện ngập, tội lỗi. Ai cũng muốn mình thành đạt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do họ sa chân, giờ họ hoàn lương, xã hội cần chung tay giúp đỡ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đẩy lùi cái xấu, cái ác ở đời".
Tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Viết Vân được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt" tiêu biểu vì đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước.