Chinh phục bằng chất lượng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:33, 30/09/2015
Khách hàng lựa chọn sản phẩm thương hiệu Việt tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Gia Hiếu |
Hội chợ triển lãm "Tuần nhận diện hàng Việt 2015-Tự hào hàng Việt Nam" thu hút sự tham gia của hơn 200 DN với hơn 300 gian hàng. Với sự đa dạng, phong phú hàng hóa, Ban Tổ chức đã chia thành 10 nhóm ngành hàng khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của NTD. Bác Trần Thu Trang (đã nghỉ hưu, trú tại phường Giảng Võ) cho biết, điểm thú vị của hội chợ là giúp NTD có cơ hội được biết và mua sắm nhiều sản phẩm nổi tiếng của các vùng, miền. Ngoài ra, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hay thời trang do DN trong nước sản xuất ngày càng phong phú về mẫu mã và chất lượng. Hội chợ còn có khu vực trưng bày của Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương Hà Nội) để người tiêu dùng nhận biết hàng thật-hàng giả với đủ các mặt hàng từ xe đạp, mũ bảo hiểm, đồ chơi, rượu… Đây là những thông tin vô cùng hữu ích giúp NTD có kiến thức nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả.
Tuần nhận diện hàng Việt Nam được tổ chức nhằm mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để NTD nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt; tạo chuyển biến về nhận thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD), tổ chức kinh tế-xã hội, phát huy mạnh lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; bảo vệ NTD và nhà SXKD hàng Việt Nam chân chính; ghi nhận sự đóng góp của các DN đã nỗ lực, không ngừng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao dành cho NTD Việt, cũng như NTD toàn cầu.
Thực hiện chương trình "Tuần nhận diện hàng Việt Nam" với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" là giải pháp hỗ trợ thực hiện thành công mục tiêu của đề án là đến năm 2015, có 90% NTD và DN Việt Nam biết đến cuộc vận động. Đến năm 2020 có hơn 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam"; tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên hơn 70%. Tất cả các thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng SXKD hàng Việt Nam; cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố để cung cấp, tập huấn sử dụng cho DN SXKD hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Theo Bộ Công thương, sau 6 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hiện tỷ lệ NTD ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đạt hơn 60%. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hàng Việt đang chiếm thị phần 90-100% tại các hệ thống siêu thị. Ngoài ra, 92% NTD Việt Nam quan tâm đến cuộc vận động; 63% NTD tự xác định sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 54% NTD khuyên người thân nên mua hàng Việt… Điều đó cho thấy, hàng Việt Nam ngày càng chiếm được lòng tin đối với NTD. Những chương trình như "Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015" chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi có sự chuyển mình toàn diện của các thương hiệu Việt, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trước các sản phẩm nhập ngoại. Để cuộc vận động thành công phải bắt nguồn từ khâu sản xuất, phải có giải pháp để chất lượng và giá thành sản phẩm Việt cạnh tranh được ngang bằng, hoặc cao hơn những mặt hàng cùng loại của một số nước trong khu vực. NTD có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, họ sẽ ủng hộ hàng hóa Việt để kinh tế trong nước phát triển, nhưng ngược lại hàng Việt phải chinh phục được NTD bằng chất lượng và giá thành hợp lý.