Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp: Người dân vẫn… thờ ơ

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:10, 30/09/2015

(HNM) - Cái khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết là ý thức người dân chưa cao.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã chính thức thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại 20 tỉnh, thành phố. Thế nhưng, cái khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH là ý thức người dân chưa cao.

Không có quyền kiểm tra, xử phạt

Trong những tuần qua, số mắc SXH tiếp tục tăng mạnh. Riêng tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 1-9, toàn thành phố ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc SXH, thì đến ngày 10-9 đã tăng lên tới hơn 1.800 trường hợp. Tính đến ngày 29-9, tổng số ca mắc bệnh là khoảng 2.700 bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 320 trường hợp đang điều trị tại viện, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các quận, huyện có số ca SXH cao là Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Thanh Xuân.

Những ngày qua, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh. Ảnh: TTXVN


Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện (BV), do phát hiện muộn, nên quá trình điều trị của nhiều bệnh nhân SXH kéo dài, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Như trường hợp chị Đặng Thị H. (ở Hoàng Mai, Hà Nội), khi bị sốt cao đến ngày thứ 4, mới được gia đình đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới trung ương. Trước đó, vì tưởng bị sốt, cảm bình thường nên chỉ cho uống thuốc hạ sốt và truyền nước. Hay như mới đây, các bác sĩ BV Bạch Mai tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đình T. (23 tuổi, sinh viên Trường Đại học Xây dựng) bị biến chứng viêm não - màng não do SXH.

Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (BV Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chủ quan không nghĩ mình mắc SXH cho đến khi nổi ban trên da, nôn thốc nôn tháo, đau bụng dữ dội... mới đến viện. Nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như: Chảy máu cam, tiểu cầu giảm, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa… Bình thường, thời gian để điều trị một ca SXH là 7 - 8 ngày nhưng nếu phát hiện, điều trị muộn, thời gian sẽ kéo dài và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Đáng chú ý, dịch SXH đang có dấu hiệu bùng phát tại những khu vực, những tỉnh, thành phố có nhiều công nhân lao động nghèo - điều kiện kinh tế khó khăn, đang phải sống trong những khu dân cư, nhà trọ chật chội, ẩm mốc, môi trường ô nhiễm… Và nhận thức của họ về các biện pháp phòng, chống SXH còn hạn chế.

Đề cập đến những khó khăn trong công tác phòng, chống SXH, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, khó khăn trước hết là vấn đề di biến động dân cư lớn. Số bệnh nhân mắc SXH chủ yếu tập trung ở các khu trọ. Thêm vào đó trong quá trình đô thị hóa còn xen kẽ các bãi đất trống không có chủ ở tạo thuận lợi cho các ổ bọ gậy, khó kiểm soát. Chính vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại ký túc xá, nơi thuê trọ là rất lớn. Tuy nhiên, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân vẫn chưa cao. Ngay trong tháng 9, thành phố đã triển khai phun hóa chất phòng, chống dịch tại 30 xã, phường trọng điểm. So với những tháng trước đó, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận khoảng 10% các hộ dân không hợp tác vì sợ việc phun hóa chất diệt muỗi sẽ ảnh hưởng đến trẻ em, phụ nữ có thai…

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, qua kiểm tra tại nhiều địa phương, còn không ít hộ dân vẫn để khá nhiều chum, vại chứa nước, trưng bày nhiều lọ hoa, bình hoa tạo cơ hội cho muỗi gây SXH đẻ trứng.

Huy động cả công an vào cuộc

Không thể loại trừ SXH trong cộng đồng như một số dịch bệnh khác, ngay cả khi có vắc xin phòng bệnh, bởi bệnh này có đến 4 týp. Nếu người mắc SXH đã mắc ở một týp thì chỉ miễn dịch với týp đó và vẫn có thể mắc các týp còn lại. Thế nhưng, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, SXH không phải là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hoàn toàn có thể phòng tránh bằng những biện pháp đơn giản như: Dọn vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt cung quăng, bọ gậy, diệt muỗi, ngủ phải mắc màn… Điều quan trọng để phòng, chống SXH hiệu quả là phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và không thể thiếu ý thức tự phòng, tránh của người dân.

Dự báo, tình hình dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, trong đó có muỗi truyền bệnh SXH. Do đó, các địa phương cần tính tới những phương án ứng phó kịp thời khi dịch lan rộng như: Phân tuyến, chỉ đạo tuyến, giải quyết vấn đề nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc… điều trị kịp thời, không để xảy ra ca bệnh tử vong.

Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp các cơ sở y tế trực thuộc kết hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát, tập trung xử lý ổ dịch bệnh SXH nhằm khống chế dịch bệnh phát tán ra diện rộng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, điểm mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH năm nay của thành phố là có thêm lực lượng công an vào cuộc. Đơn cử, tại những điểm "nóng" về dịch SXH như quận Hoàng Mai đã huy động lực lượng công an cùng tham gia vận động, thuyết phục người dân phun thuốc chống dịch. "Trước mắt, Hà Nội mới chỉ áp dụng hình thức tuyên truyền, giáo dục để tăng cường ý thức "chống" dịch trong nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, trường hợp nào không tích cực tham gia, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, chúng tôi sẽ đề xuất áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với trường hợp đó", ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.

Thu Trang