Cú "thoát hiểm" trong gang tấc
Thế giới - Ngày đăng : 05:45, 30/09/2015
Cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục vào đêm 28-9 đã nhận được 77 phiếu thuận/100 ghế tại Thượng viện. Thế nhưng, dự luật vẫn phải chờ Thượng viện bỏ phiếu chính thức dự kiến vào hôm nay (30-9) và sau đó dự luật phải được Hạ viện phê chuẩn và Tổng thống Barack Obama ký ban hành.
Kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu phục hồi. |
Cú "thoát hiểm" trong gang tấc khi hạn chót 1-10 mà Quốc hội Mỹ phải thông qua dự luật chi tiêu cho tài khóa 2016 đang đến gần, nhưng nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vẫn rình rập. Dự thảo ngân sách cho tài khóa mới được Tổng thống B.Obama công bố tháng 2 vừa qua cho thấy, Chính phủ Mỹ sẽ chi 4.000 tỷ USD cho năm tới. Dự thảo cũng đặt mục tiêu giữ thâm hụt dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức mà các chuyên gia kinh tế đánh giá là bền vững. Thâm hụt trong năm 2016 ước tính vào khoảng 474 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, trong khi nợ Chính phủ sẽ vào khoảng 75% GDP. Tính toán trên dựa trên giả định rằng, nền kinh tế Mỹ trong năm 2016 sẽ tăng trưởng 3,1%, với tỷ lệ thất nghiệp 5,4% và lạm phát 1,4%. Bù lại, chính quyền Tổng thống B.Obama sẽ thu về 2.000 tỷ USD tiền thuế trong 10 năm tới bằng việc đánh thuế cao hơn đối với tầng lớp giàu có, các doanh nghiệp và người hút thuốc lá. Thế nhưng, Dự thảo ngân sách trên đã châm ngòi cho những tranh luận tại Quốc hội Mỹ. Với các nghị sĩ đảng Dân chủ, ngân sách mới là một bản "Dự thảo tuyên ngôn bầu cử" của các ứng viên đảng Dân chủ; cơ hội để chứng minh rằng tôn chỉ của Dân chủ là tập trung cải thiện nền kinh tế cũng như thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa lại cho rằng, Dự thảo ngân sách mới chỉ nhằm "đánh bóng" uy tín của người Dân chủ trước bầu cử tổng thống 2016. Kế hoạch tăng chi tiêu nội địa và cải cách thuế của Nhà Trắng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vì không khắc phục được vấn đề lớn nhất là chi tiêu ngày một tăng cao của Chính phủ.
Thêm vào đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa kiên quyết phản đối bất cứ kế hoạch nào nếu Nhà Trắng tiếp tục tài trợ cho Planned Parenthood - Tổ chức y tế chuyên cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản khi các nghị sĩ Dân chủ khẳng định sẽ ngăn chặn mọi dự luật chống lại tổ chức này. Tuy nhiên, nội bộ đảng Cộng hòa cũng tồn tại những chia rẽ về ngân sách mới. Lâu nay Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa John Boehner cùng lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện vẫn yêu cầu hai bên nỗ lực tránh tái diễn kịch bản Chính phủ đóng cửa. Nhưng, điều này lại khiến giới bảo thủ trong đảng Cộng hòa không hài lòng và dọa "phế truất" cương vị Chủ tịch Hạ viện của ông John Boehner nếu không ngăn được việc cấp ngân sách cho Planned Parenthood. Ngay cả vấn đề tưởng như có thể tìm được tiếng nói chung như mở rộng ngân sách quốc phòng cũng tồn tại không ít bất đồng. Trước những áp lực trên, Chủ tịch Hạ viện John Boehner vừa thông báo sẽ từ chức trong ít ngày tới.
Sự kiện Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật tình thế gia hạn cấp ngân sách cho các cơ quan Chính phủ có ý nghĩa quan trọng khi tài khóa hiện nay sẽ kết thúc vào ngày 30-9. Song theo luật, sau thời điểm này nếu lưỡng viện Mỹ không đạt được đồng thuận về ngân sách tài khóa 2016 thì một số cơ quan Chính phủ của Mỹ phải ngừng hoạt động do không có kinh phí. Việc Chính phủ Mỹ "cực chẳng đã" phải đóng cửa sẽ khiến hàng triệu người mất lương và gây nên tình trạng hỗn loạn kinh tế và tài chính. Lần gần đây nhất, Chính phủ Mỹ phải tạm đóng cửa là năm 2013 khi đảng Cộng hòa ngăn chặn việc cải cách Chương trình y tế do Tổng thống B.Obama đề xuất khiến nền kinh tế số một thế giới bị thiệt hại khoảng 24 tỷ USD.
Một kịch bản được cho là sẽ tồi tệ hơn nếu Chính phủ Mỹ phải xem lại "kịch bản" cũ năm 2013. Nếu xảy ra, khoảng một triệu công chức liên bang Mỹ sẽ nghỉ làm không lương, cao hơn nhiều so với 850.000 người trong 17 ngày hồi tháng 10-2013. Dù nền kinh tế Mỹ đang khởi sắc, song bất kỳ biến động nào trên thị trường lao động, tài chính, tiêu dùng… do Chính phủ buộc phải đóng cửa sẽ lấy đi một tỉ lệ tăng trưởng không thể tính bằng con số của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời điểm đầy nhạy cảm hiện nay.