Quyết định của Tòa án phải căn cứ vào chứng cứ, kết quả tranh tụng

Đời sống - Ngày đăng : 10:55, 29/09/2015

(HNMO) - Ngày 29- 9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến các quận huyện, sở ngành về Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).


Theo bản dự thảo mới nhất, quyền của người bị bắt, bị tạm giữ đã được cụ thể hoá tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người. Luật cũng đã quy định cụ thể hơn nguyên tắc tổ chức, hoạt động, thẩm quyền tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án, tạo cơ sở luật định cho việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Song theo đại diện trường đại học Luật Hà Nội, để bảo đảm tính minh bạch, cẩn trọng trong truy tố, điều tra vụ án, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn chỉ có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lai lịch rõ ràng, xét thấy không cần thiết phải tạm giam, nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án.

Quá trình xét xử, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Cũng cần nêu rõ, điều tra viên, Kiểm sát viên, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan vụ án. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả thẩm tra chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Hà Phong