Chuyện… sốc ấy có gì mới đâu?

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:41, 29/09/2015

(HNM) - Hôm qua (28-9), như một tờ báo phản ánh, học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Hồ Chí Minh) phải đóng 3 triệu đồng cho quỹ phụ huynh, 400 nghìn đồng cho quỹ trường. Trường này có 7 lớp 1, mỗi lớp có khoảng trên 40 học sinh, như vậy trung bình quỹ phụ huynh của mỗi lớp lên tới con số gần 160 triệu đồng.


Và như giật tít của bài báo thì đó là chuyện… sốc. Tuy nhiên, nếu các phụ huynh đều đọc bài báo này, thì chắc chắn đa số cha mẹ học sinh đều cho rằng, chuyện đó… "xưa như trái đất", vài năm nay đã như vậy rồi, có gì là sốc đâu, chỉ có điều người ta có muốn phản ánh với báo chí hay không mà thôi.

Trước thời điểm bước vào năm học mới, bao giờ ngành Giáo dục cũng có một chiến dịch truyền thông rầm rộ để tuyên truyền chống chuyện lạm thu ở các trường cùng những chỉ thị, biện pháp cụ thể. Song tiếc rằng, chuyện lạm thu không có nhiều chuyển biến tích cực mà chỉ… chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Nói cụ thể là bây giờ không có trường nào đứng ra thu tiền cho việc này, chuyện nọ mà tất cả đều do phụ huynh tự nguyện, đứng ra vận động, quyên góp, ủng hộ… Tất nhiên có… định hướng, có "bật đèn xanh", nhưng rất khó có chứng cứ để quy kết trách nhiệm cụ thể.

Chuyện lạm thu có thể thấy giờ đã tinh vi hơn trước rất nhiều, từ cách thức tổ chức, vận động phụ huynh học sinh, đến từng đầu mục, gạch đầu dòng cụ thể làm sao phải có tính thuyết phục là thu như vậy là để chi vì lợi ích cụ thể trong học tập, chăm sóc sức khỏe cho con em chúng ta. Từ tiền mua điều hòa, sắm ti vi… đến tiền giặt chiếu, thuê người lau phòng, làm vệ sinh trường học, mua nước uống… tính ra, thống kê đầy đủ có khi các phụ huynh lại thấy, đóng tiền như thế còn ít. Rồi như cung cấp của nhiều cha mẹ học sinh, quỹ lớp còn được chia ra thu theo từng học kỳ, thậm chí thu 2 lần trong một học kỳ để số tiền từng lần đóng vợi đi, nhưng cộng lại trong cả năm học thì số tiền đóng quỹ lớp là hơn 3 triệu đồng/học sinh như Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nêu trên chả có gì đáng sốc. Ấy là chưa kể còn dẫn chứng, ví dụ lớp này, trường kia, tựu trung lại là cả xã hội đều chấp nhận như vậy, từ đó kích thích tư tưởng "con gà tức nhau tiếng gáy" mà từ nguyện… đóng tiền để con em mình đỡ bị thiệt thòi. Đã tự nguyện rồi thì "ruột đau như cắt" cũng cắn răng mà chịu, ai lại còn đi phản ánh hay cung cấp cho báo chí?

Thực ra, tâm lý chung của các phụ huynh đều vậy, cha mẹ học sinh nào chẳng muốn dành những điều kiện tốt nhất cho con cái. Suy nghĩ ấy và kể cả việc họ chấp nhận đóng những thứ tiền vô lý là không sai. Có chăng lỗi là ở những người phía sau đã "bật đèn xanh", hướng cha mẹ học sinh vào vòng quay của chuyện lạm thu. Một phụ huynh kể, con mới vào lớp 1 nhưng đã đòi bố mẹ cho học lớp chất lượng cao vì các bạn lớp ấy học trong phòng điều hòa, có ti vi, tủ lạnh, rồi còn đàn hát, "học mà chơi" với giáo viên tiếng Anh người nước ngoài suốt ngày. Một phụ huynh khác phàn nàn, dịp 20-11 năm trước con không dám đến lớp vì ngượng do cô chủ nhiệm tuyên bố trên bục giảng cảm ơn cha mẹ học sinh cả lớp đã đến trường hoặc đến nhà tặng hoa… trừ phụ huynh bạn nọ, bạn kia.

Vẫn biết, với điều kiện còn rất nhiều khó khăn, trong ngành Giáo dục vẫn còn đó không ít tấm gương của các thầy cô giáo luôn tâm huyết với nghề và thầm lặng cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp "trồng người".

Tuy nhiên, để việc lạm thu đến giờ trở thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" thì không thể nói rằng ngành Giáo dục - Đào tạo đã làm tốt công tác quản lý, giáo dục những người trong nghề. Phải chăng đổi mới công tác giáo dục - đào tạo không chỉ là chuyện đổi mới thi cử, cách dạy, cách học, chương trình - sách giáo khoa… mà phải đổi mới cả biện pháp, cách thức trong công tác quản lý các nhà trường và những người đứng trên bục giảng?

Thái Sơn