"Biến" đất nông nghiệp thành nhà hàng, bãi đỗ xe

Đời sống - Ngày đăng : 07:20, 28/09/2015

(HNM) - Thông tin tới Đường dây nóng Báo Hànộimới, người dân thôn Phương Viên, xã Song Phương (huyện Hoài Đức) cho biết: Mấy năm gần đây xuất hiện tình trạng người dân trong xã tự ý đổ đất san lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp ở ven Đại lộ Thăng Long

Đất nông nghiệp biến thành bãi đỗ xe ô tô.



Thực tế tại xã Song Phương, từ cầu kênh T6 (Km11+682,3) đến khu đồng Nam Mai (sát cầu kênh N1, Km12+368,13) phía trái Đại lộ Thăng Long hướng Hà Nội - Thạch Thất, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy ngay sát khu vực cầu kênh T6 (giáp đê tả Sông Đáy) có 2-3 dãy nhà hàng lợp lá cọ hoặc tấm lợp có diện tích lên đến cả trăm mét vuông. Những tấm biển quảng cáo hấp dẫn: "Nhà vườn cam Canh, bưởi Diễn, cây cảnh cao cấp", "Bia hơi Hà Nội, chó chặt"… được dựng, treo lên ngay sát chân cầu kênh T6. Tìm hiểu được biết, khu đất này nằm trong hành lang bảo vệ đê Sông Đáy và đất nông nghiệp. Năm 2012, hộ ông Đỗ Văn Chính đã tự ý đổ đất san lấp, trồng cây ăn quả, cây cảnh, dựng lều quán bán hàng, vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. Cách cầu kênh T6 một đoạn ngắn, có 2 hộ san lấp đất nông nghiệp, dựng quán nhỏ bán hàng nước, trồng cây cối xung quanh trên diện tích 40-50m2/hộ.

Đáng nói, tại khu đồng Nam Mai (sát cầu kênh N1), một thửa đất nông nghiệp màu mỡ, diện tích trên 600m2 được san lấp từ năm 2013. Sau khi san lấp cao bằng ngang mặt đường gom Đại lộ Thăng Long, chủ nhân của khu đất này là Công ty CP Thương mại và Du lịch Tiến Phương đã xây dựng tường bao xung quanh, xây nhà tạm và đổ bê tông. Hiện khu đất này là điểm tập kết thường xuyên của khoảng 30 chiếc xe ô tô các loại. Gần đó, cũng có một khu đất mới được san lấp, nay đã hoàn thành việc xây dựng tường bao xung quanh, đổ bê tông một phần khu đất để đỗ xe ô tô, được biết cũng thuộc sở hữu của Công ty CP Thương mại và Du lịch Tiến Phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương thừa nhận, phản ánh của người dân liên quan đến việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ven Đại lộ Thăng Long là đúng. Tuy nhiên, một số vi phạm diễn ra từ nhiều năm nay, xã và các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý nhưng các hộ vẫn tái phạm. Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao khi các hộ đổ đất dựng quán bán hàng, làm bãi đỗ xe ô tô mà không xử lý dứt điểm, ông Khoa cho biết, đối với hộ ông Chính, khi phát hiện vi phạm, xã đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thậm chí UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phá dỡ công trình vi phạm, nhưng hộ này lại tái phạm. Còn trường hợp Công ty CP Thương mại và Du lịch Tiến Phương tự ý san lấp đất nông nghiệp làm bãi đỗ xe ô tô ở đồng Nam Mai, xã cũng đã lập hồ sơ vi phạm, song đến nay chưa xử lý được do thời gian qua xã có sự thay đổi nhân sự!? Hơn nữa, từ nhiều năm nay, công ty này đã làm đơn, hồ sơ gửi UBND huyện Hoài Đức và các cơ quan chức năng xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất kinh doanh dịch vụ tại khu đồng Nam Mai và khu vực Thôn 6, nhưng chưa được chấp thuận. Xuất phát từ thực trạng thiếu mặt bằng để đỗ xe ô tô, trong khi số đầu xe ô tô các loại của công ty ngày càng tăng (hiện tại công ty có khoảng 50 xe ô tô - PV), nên doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Khi phóng viên đề nghị cung cấp một số hồ sơ liên quan đến vi phạm của hộ ông Chính và Công ty CP Thương mại và Du lịch Tiến Phương, cũng như các hộ vi phạm dọc Đại lộ Thăng Long, ông Khoa từ chối với lý do Đội Thanh tra xây dựng huyện Hoài Đức mới về mượn toàn bộ hồ sơ để sao lục (?).

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiên quyết vào cuộc, kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm để tránh tình trạng "dầu loang", gây bức xúc cho nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Hoàng