Hai năm thực hiện đề án cải thiện chất lượng thức ăn đường phố: Chuyển biến bước đầu
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 28/09/2015
Ý thức thay đổi
Theo các chuyên gia, việc triển khai mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP không phải là chuyện dễ, nhất là ở nơi đông đúc như Hà Nội. Thế nhưng, kết quả đánh giá kiến thức, thực hành đúng về ATTP của 3 nhóm đối tượng sau hai năm thực hiện đề án cải thiện chất lượng kinh doanh thức ăn đường phố cho thấy những tín hiệu lạc quan, đó là tỷ lệ người quản lý có kiến thức, thực hành đúng về ATTP đạt 86% (trước khi can thiệp là 59,1%); tỷ lệ người tiêu dùng có kiến thức, thực hành đúng về ATTP là 74% (trước khi can thiệp là 72,6%) và tỷ lệ người chế biến, kinh doanh là 75% (trước khi can thiệp là 58%).
Quán ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thái Hiền |
Một trong những nơi được Sở Y tế Hà Nội chọn để thí điểm triển khai mô hình trên, là phố Quán Thánh (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) - nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ, bao gồm: Cửa hàng ăn uống, quầy hàng thức ăn ngay, thực phẩm chín… Khi áp dụng mô hình dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP, các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố này được cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, tổ chức tập huấn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cụ thể là tiêu chí đối với cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín; hỗ trợ găng tay sử dụng một lần cho cơ sở dịch vụ ăn uống; tập huấn, khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố; tuyên truyền giáo dục về ATTP dịch vụ ăn uống cho người chế biến kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong hai năm thực hiện đề án, mô hình điểm tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống tại phố Quán Thánh bước đầu đạt hiệu quả. Điều dễ nhận thấy ở mô hình này là ý thức của người kinh doanh, người sản xuất và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt. Ngay cả việc truyền thông nâng cao ý thức chấp hành của người dân về ATVSTP cũng thường xuyên đổi mới, đa dạng, như: Tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền gián tiếp trên hệ thống truyền thanh của phường, tuyên truyền tập trung trong tháng cao điểm hành động về ATVSTP.
"Tẩy chay" cơ sở không đủ điều kiện
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình vẫn còn một số tồn tại như: Sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm tại những cửa hàng kinh doanh ăn uống chưa thường xuyên. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện tình trạng nguyên liệu chế biến thực phẩm chưa có giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó là tiến độ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP còn chậm tại một số nơi.
Đánh giá về mô hình kinh doanh thức ăn đường phố bảo đảm ATTP, cán bộ chuyên trách của nhiều quận, huyện cho rằng, việc triển khai đề án đến các cơ sở kinh doanh không dễ. Trong 10 quy định bắt buộc về bảo đảm ATTP thức ăn đường phố mà các cơ sở phải thực hiện có những tiêu chí tưởng chừng đơn giản như: Ghi chép đầy đủ nguồn gốc thực phẩm sử dụng hằng ngày, lưu mẫu thực phẩm hằng ngày hay đeo găng tay khi chế biến thức ăn nhưng khi triển khai đến từng hộ kinh doanh lại thành khó khăn, vì đa phần người kinh doanh "ngại" thay đổi.
Điều mà dư luận lo ngại khi Sở Y tế Hà Nội triển khai mô hình này, đó là việc xử lý vi phạm về ATTP ở tuyến cơ sở còn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là nhắc nhở chứ chưa áp dụng biện pháp mạnh. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về ATVSTP, không để tình trạng chỉ nhắc nhở, không xử lý đối với các vi phạm ATTP tại tuyến xã, phường như những năm trước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải "tẩy chay" những cơ sở kinh doanh trong điều kiện không bảo đảm ATVSTP, đồng thời mạnh dạn tố giác các vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng...