Nước cờ mới của phương Tây
Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 28/09/2015
Ngày 27-9, Pháp lần đầu tiên tham gia không kích IS tại Syria. |
Theo các nhà phân tích, có rất nhiều lý do thúc đẩy Pháp đưa không lực tới Syria. Thứ nhất, trên chiến trường, IS tiếp tục nới rộng vùng kiểm soát. Sau Ramadi ở Iraq đến lượt Palmyra ở Syria thất thủ. Những tay súng cực đoan của IS đi đến đâu tàn sát và tàn phá đến đó và hiện chỉ còn cách thủ đô Damascus có 250km. Do vậy, dù không mặn mà gì với Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, Pháp vẫn phải bật đèn xanh cho không quân can thiệp vào Syria nhằm tăng cường sức mạnh cho liên quân do Mỹ đứng đầu.
Dường như trong suy tính của Điện Elysee, sự tồn tại của chính quyền hiện tại ở Syria vẫn còn dễ chịu hơn rất nhiều so với việc để IS chiếm quyền kiểm soát toàn bộ quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng ở Trung Đông này. Thứ hai, vào lúc không quân Pháp tham chiến tại Iraq, đất nước hình lục lăng phải trải qua nhiều vụ khủng bố đẫm máu như vụ thảm sát ở tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo tại Paris và gần đây nhất là vụ tấn công xe lửa cao tốc Thalys trên đường Amsterdam - Paris hồi tháng 8. Đa số thủ phạm của các vụ tấn công này đều đã lưu trú tại Syria hoặc có quan hệ trực tiếp với tổ chức IS hay với thành viên của nhóm khủng bố này. Theo nhận định của một nhà ngoại giao Pháp, Syria có vai trò trung tâm đối với tình hình an ninh của Pháp, vì hàng trăm công dân Pháp theo phe thánh chiến tại Syria. Vì nhu cầu an ninh quốc gia, Tổng thống Francois Hollande buộc phải thay đổi chiến lược. Nguyên nhân thứ ba là vì cuộc khủng hoảng người di cư và thảm nạn thuyền nhân trên Địa Trung Hải khi nỗ lực vào Liên minh Châu Âu (EU). Hầu hết số này là cư dân ở các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng nội chiến như Syria, Libya, Iraq... Mặc dù, thời gian gần đây, EU đã thực hiện nhiều quyết sách nhằm đối phó với tình trạng hàng vạn người vượt biên liên tục đổ về Cựu lục địa. Thế nhưng, biện pháp dài hạn là phải làm thế nào đưa tình hình Trung Đông, Bắc Phi trở lại ổn định. Trong đó, truy quét IS là một nhiệm vụ hàng đầu.
Thêm nữa, sự hiện diện của Pháp tại Syria vào thời điểm Nga cấp tập đưa trang thiết bị quân sự và khẩn trương xây dựng căn cứ quân sự ở quốc gia Trung Đông này cũng khiến người ta đặt ra những câu hỏi nhằm vào toan tính chiến lược của Paris. Dưới góc nhìn của các nước phương Tây, việc Nga đưa quân tới Syria nhằm giúp chính quyền Tổng thống Al-Assad đối phó với IS chỉ là vỏ bọc. Mục đích của động thái này một phần nhằm khẳng định sự hậu thuẫn của Mátxcơva đối với Damascus. Ngoài ra, đây là bước đi quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng một căn cứ không quân tại phi trường Lattaquie, mà sân bay này lại nằm gần quân cảng Tartous. Từ những năm 1970, Nga đã sử dụng quân cảng nằm bên bờ Địa Trung Hải này và hiện Tartous đánh dấu sự hiện diện duy nhất của Nga tại Trung Đông. Việc tăng cường lực lượng không quân tới Syria sẽ giúp củng cố vị trí của Nga ở Tartous, duy trì được quyền lợi của Nga tại khu vực. Do đó, việc Pháp đưa chiến đấu cơ tới Syria cũng được xem như một nước cờ phối hợp với Mỹ và các đồng minh khác nhằm canh chừng những động thái tiếp theo của Mátxcơva. Nếu xét ở khía cạnh này, có thể thấy rằng, không phải ngẫu nhiên, cách đây 3 tuần, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) lại tuyên bố tham gia chiến dịch không kích IS tại Syria. Ngoài việc nâng cao vị thế, quyết định đưa máy bay chiến đấu tham gia không kích IS có thể sẽ làm gia tăng uy tín của chính quyền Tổng thống F.Hollande. Hiện tại, có tới 61% số người dân Pháp được hỏi ủng hộ kế hoạch của ông chủ Điện Elysee. Điều đó cho thấy, bằng một động thái quyết đoán, Paris đã phát đi nhiều tín hiệu thể hiện rõ ràng chính sách đối ngoại của Pháp và bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước hình lục lăng trên bản đồ chính trị thế giới.