Bài 1: Những quyết sách và dấu ấn nổi bật

Chính trị - Ngày đăng : 06:05, 28/09/2015

LTS: Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài: Thành tựu nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ TP Hà Nội: Bước phát triển mang tầm vóc mới.

LTS: 5 năm qua (2010 - 2015), đối mặt với nhiều biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực cũng như những thách thức nội tại của nền kinh tế, Đảng bộ TP Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách, thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống - xã hội Thủ đô. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài: Thành tựu nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ TP Hà Nội: Bước phát triển mang tầm vóc mới.

Bài 1: Những quyết sách và dấu ấn nổi bật

Ngày 28-10-2010, trả lời phỏng vấn của Báo Hànộimới ngay sau phiên bế mạc Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã khẳng định: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo; đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, hài hòa với phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, làm động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước... là mục tiêu của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ 2010-2015. Chủ động, sáng tạo vận dụng chủ trương, chính sách; quyết liệt thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá và 9 chương trình công tác... Đảng bộ thành phố đã hiện thực hóa mục tiêu trên, mang lại bước phát triển mới cho đất Thăng Long - Hà Nội.

Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc về mọi mặt. Ảnh: Vũ Long


1. Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, với truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cùng với sự đồng thuận của nhân dân, Thủ đô Hà Nội đã nhanh chóng đi vào ổn định và phát triển. Tuy nhiên, thực tế đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết ngay. Trong đó, có thể kể đến: Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn bộc lộ nhiều yếu kém. Hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập cục bộ, ô nhiễm môi trường chuyển biến chậm. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành còn thiếu năng động, chưa thật sự quyết liệt, có bộ phận còn trì trệ, kém hiệu quả; tình trạng né tránh trách nhiệm, ngại va chạm còn khá phổ biến. Cải cách hành chính còn hạn chế. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị có chuyển biến nhưng chưa thật đồng bộ... Thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, lựa chọn công việc có trọng tâm, trọng điểm, Đảng bộ thành phố đã quyết nghị 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá trực tiếp giải quyết những vấn đề bất cập nêu trên. Nhằm cụ thể hóa, Thành ủy đã xây dựng và ban hành 9 chương trình công tác toàn khóa. Sau 5 năm thực hiện với kết quả 9 chương trình công tác, hoàn toàn có thể nhận định: Không chỉ xác định đúng vấn đề, trúng mục tiêu, giải pháp còn cho thấy sự đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong 9 chương trình có những chương trình đem lại những chuyển biến mạnh mẽ, tạo dấu ấn nổi bật cho cả nhiệm kỳ.

2. Năm năm qua, hệ thống chính trị thành phố không ngừng được củng cố, nâng cao. Vừa tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ sau hợp nhất, Thành ủy vừa chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân các cấp.

Lấy trọng tâm là con người (đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức), các giải pháp đồng bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ đã được Hà Nội triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực: Đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở đã được nâng lên. Từ chỗ, một số huyện tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học chỉ chiếm 20-30%, nay đã tăng lên 50%, thậm chí là 80-100%. Nhằm xây dựng hệ thống chính trị mạnh từ cơ sở, Thành ủy đã xây dựng Đề án 06-ĐA/TU đồng bộ mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng. Đây là vấn đề tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ trước và đã được thực hiện thành công trong nhiệm kỳ này. Nhằm tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, Thành ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU nhằm phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Bằng quyết tâm mạnh mẽ, cách làm linh hoạt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ thành phố không những xây dựng được tổ chức chính trị ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mà còn tạo được lòng tin rộng rãi trong đội ngũ công nhân, lao động và giới chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hà Nội đã có sáng kiến xây dựng Đề án số 07-ĐA/TU về đào tạo cán bộ nguồn đến năm 2020. Đến nay, thành phố đã tổ chức thành công 12 lớp cán bộ nguồn với sự chặt chẽ, khoa học từ khâu tuyển chọn đến quá trình theo dõi, đánh giá từng học viên. Đây là một đề án cho thấy tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ. Với các biện pháp tập trung vào xây dựng hệ thống chính trị, 5 năm qua, đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã vững tay "chèo lái", Hà Nội đã giành được những thành tựu toàn diện.

3. Hà Nội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị và nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống hạ tầng khung giao thông đang ngày càng hoàn thiện với những công trình đã đưa vào sử dụng và đang hình thành trên địa bàn thành phố như: Cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, đường Vành đai 3 trên cao, Nhà ga T2 - Cảng hàng không Nội Bài, các tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với Hải Phòng, Thái Nguyên, Lào Cai; cầu Vĩnh Thịnh; tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông… Thành phố đã nỗ lực rất lớn, hoàn thành các đoạn khó khăn của tuyến đường Vành đai 1, 2, 2.5, 3, 3.5; hoàn thành các tuyến đường chính kết nối trong nội đô như Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành, La Thành - Thái Hà - Láng, đường Tôn Thất Tùng kéo dài, đường Trần Phú - Kim Mã. 7 cầu vượt giải quyết ùn tắc tại các nút giao thông trọng điểm, 9 cầu vượt bộ hành cũng đã được hoàn thành, khắc phục đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông (giải quyết 55/77 điểm ùn tắc). Thành phố có thêm cầu Đông Trù, cầu Phù Đổng 2 và đã cải tạo xây dựng mới 14 cầu yếu trên địa bàn, đồng thời triển khai khắc phục 36 cây cầu khác… Hàng loạt dự án, công trình phục vụ trực tiếp, góp phần nâng cao đời sống dân sinh đã được khởi công, xây dựng. Tỷ lệ người dân đô thị, khu dân cư tập trung được dùng nước sạch tiêu chuẩn Bộ Y tế đạt 100%, với chỉ tiêu chuẩn trung bình 100-150 lít/người/ngày đêm, đạt chỉ tiêu Đại hội XV đề ra.

4. Trong cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đánh giá rất cao thành tích xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Không phó mặc cho chính quyền, "lĩnh xướng" chính trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương là các cấp ủy đảng, đứng đầu là Thành ủy thống nhất lãnh đạo toàn diện. Vì vậy, thành phố đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân. Chỉ tính trong 4 năm (2011-2014), cùng với gần 6.200 tỷ đồng đầu tư của ngân sách thành phố, các tổ chức, cá nhân và nhân dân đã đóng góp trên 21.190 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Với một chủ trương hợp lòng dân, vì nhân dân, bà con nông dân đã không tiếc lợi ích riêng, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền bạc để góp phần xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực to lớn từ con người và của cải này đã làm thay đổi diện mạo nông thôn Hà Nội, đặc biệt là những thay đổi về hệ thống giao thông. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, hàng trăm công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội đã được bổ sung . Đời sống nông dân được cải thiện đáng kể, trước hết thể hiện qua con số thống kê về thu nhập bình quân đầu người: Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 28,6 triệu đồng/người/năm, tăng 14,6 triệu đồng so với năm 2011. Đặc biệt, Nghị quyết 06-NQ/TU về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015" (một trong hai nghị quyết chuyên đề toàn khóa) đã tạo sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô. Gần 5 năm qua, 1.276,5 tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng 202 công trình cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Một điểm sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết này là Hà Nội đã huy động các quận nội thành hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí 92 tỷ đồng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Đến nay, Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn riêng của thành phố đã giảm từ 11% năm 2010 xuống còn 1,7%. Toàn thành phố không còn nhà dột nát. Một vùng nông thôn, ngoại thành thay da đổi thịt và đang tiếp tục quá trình vươn lên từng ngày là minh chứng sống động cho thành quả lãnh đạo của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015.

5. Những thành tựu nêu trên là kết quả của việc thực hiện các Chương trình: Chương trình 01-CTr/TU về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015"; Chương trình 07-CTr/TU về "tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015"; và Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới. Các chương trình còn lại đều mang lại hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến rõ rệt trên những lĩnh vực công tác quan trọng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như: Giữ gìn an ninh, bảo đảm quốc phòng; nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; phát triển văn hóa, giáo dục, con người Hà Nội… Hà Nội đã gương mẫu đi đầu trên nhiều lĩnh vực với việc triển khai bài bản, khoa học và tập trung cao độ trong việc thực hiện các giải pháp trong các chương trình công tác.

Hiền Lương