Báo động đến bao giờ?

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:58, 28/09/2015

(HNM) - Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9-2015, theo đó, số lượng khách nước ngoài tới nước ta ước đạt hơn 620.000 lượt, giảm 5,8% so với tháng trước đó.



Tính gộp từ đầu năm 2015 trở lại đây, lượng khách quốc tế đạt gần 5,7 triệu lượt, giảm khoảng gần 6% so với cùng kỳ năm 2014. Đánh giá về sự sụt giảm này, nhiều người dùng từ "ảm đạm", cho đó là hiện tượng "đáng báo động".

Cách đánh giá nói trên không gây ngạc nhiên bởi sự sụt giảm về lượng khách quốc tế xứng đáng được "báo động". Cho dù sự biến động về tình hình kinh tế, chính trị thế giới có thể được coi là một trong số nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này thì điều gây quan ngại nằm ở chỗ chính chúng ta cũng đã góp phần vào sự đi xuống thay vì tìm ra cách vực dậy ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam rất có tiềm năng phát triển. Về sự "tiếp tay" ấy, có thể nhận diện một cách trực tiếp dựa trên hiện trạng môi trường kinh doanh du lịch hiện nay mà không cần phải bỏ tiền tổ chức khảo sát trên diện rộng. Môi trường ô nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát đầy đủ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hạn chế, sản phẩm du lịch nghèo nàn, giải pháp quảng bá hình ảnh thiếu sức hút; cách tiếp cận mang tính ngắn hạn của nhiều chủ kinh doanh dịch vụ lưu trú, vận chuyển khách, nhà hàng, thể hiện qua hành vi "chặt chém", chèo kéo làm phiền khách, trục lợi bất hợp pháp…

Xác định rõ nguyên nhân là hết sức cần thiết. Nhưng tìm ra nguyên nhân rồi, ra rả về giải pháp rồi mà không thực hiện giải pháp một cách hiệu quả nhằm thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng thì đó là sự hạn chế của cơ quan quản lý hoạt động du lịch, không thể nói khác được dù luôn có một cách diễn giải rằng chỉ có ngành A cố gắng thì không thay đổi được hiện trạng du lịch, chỉ có ngành B gắng gỏi thì không thể giúp người bệnh khỏi bị phiền hà…

Nói vậy là bởi báo cáo tổng kết năm, ý kiến từ các chuyên gia tại hội thảo, hội nghị chuyên đề về du lịch thường đề cập tới những nguyên nhân nêu trên, hết lần này đến lần khác, từ năm này qua năm khác mà mục tiêu phát triển du lịch bền vững chưa thực hiện được bao nhiêu. Các địa phương thường đề ra giải pháp, mục tiêu chung cho vấn đề, tích hợp nhiều yếu tố cần đạt tới trong một chương trình hành động và thiếu giải pháp kiểm soát việc thực hiện cũng như đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện đến đâu, hiệu quả ra sao, cần bổ sung những gì, ai và nơi nào chịu trách nhiệm về sự chậm trễ...

Các vấn đề hạn chế đã được "báo động" nhiều rồi, giờ là lúc toàn tâm toàn ý thực hiện giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Một số hạn chế cần được ưu tiên giải quyết, chẳng hạn như tâm lý kinh doanh - phục vụ mang tính mùa vụ, được lúc nào biết lúc ấy; vấn đề vận chuyển hành khách (bao gồm cả mạng lưới giao thông công cộng), đặc biệt là tới các điểm đến quan trọng tại các khu du lịch trọng điểm; sự hạn chế về sản phẩm du lịch, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm… Với mỗi mảng việc lớn cần có chương trình hành động cụ thể, mục tiêu cần đạt tới cũng như lộ trình thực hiện và trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.

Dục Tú