Lực lượng hùng hậu và có tâm huyết

Văn hóa - Ngày đăng : 07:46, 27/09/2015

(HNM) - Sau hơn 20 năm gián đoạn kể từ lần Hội nghị đầu tiên diễn ra vào tháng 9 - 1993, ngày 24-9-2015, Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2 đã khai mạc tại Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 26-9.

1. Nhận diện

Theo tiêu chuẩn của Hội nghị, thì "trẻ" ở đây là những người sinh từ 1975 trở lại đây. Nghĩa là ngay trong lực lượng viết trẻ, cũng có một quãng xa nhau về thế hệ, khi người trẻ nhất với người già nhất cũng có thể cách nhau đến 20 năm. Điều đó dẫn đến sự đa dạng, phong phú trong không gian văn trẻ hôm nay. Nhà văn Đỗ Bích Thúy (sinh năm 1975) tỏ vẻ ngại ngần khi được coi là "nhà văn trẻ", nhưng nhìn vào các cây bút lão làng như Nguyễn Xuân Khánh, Đoàn Tử Huyến, Vũ Quần Phương, chị nói rằng mình thực sự trẻ.

Các thế hệ nhà văn giao lưu tại hội nghị Văn trẻ Hà Nội.



Dễ thấy bên cạnh Đỗ Bích Thúy (1975); Phong Điệp (1976), Xuân Thủy (1977), Nguyễn Bảo Giang (1977), Nguyễn Quang Hưng (1980)... thì còn có các cây bút trẻ hơn rất nhiều như Ngô Gia Thiên An (1999), Nhật Phi (1991), Du Nguyên (1988)... Như lẽ tự nhiên của người viết (cho dù như Hội Nhà văn Hà Nội nhận lỗi là họ chưa được quan tâm nhiều) thì ở tuổi 20, 30 và 40... ấy họ đã và vẫn viết từ nhiều nỗi trăn trở, cảm hứng sáng tạo khác nhau, từ những vùng hiện thực khác nhau. Nhiều người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng đã trải nghiệm và "sống" thực sự với Hà Nội bằng cảm thức riêng của mình.

Nhận diện nhà văn trẻ, nhà báo, nhà văn Trần Vũ Long (1977) cho rằng "Dù chênh nhau nhiều tuổi, nhưng điểm chung của nhà văn trẻ là sinh ra trong hòa bình, trưởng thành trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập. Đây là giai đoạn không tiếng súng nhưng không hẳn bình yên... Mỗi người cầm bút phải luôn tự hỏi viết văn để làm gì, viết cho ai?". Nhà thơ áo lính Đoàn Văn Mật (1980) có quan điểm "Không phải thời đất nước gian lao là thiếu người làm thơ hay, cũng không phải thời hội nhập lại có nhiều người làm thơ dở. Nhưng soi chiếu vào cái tôi của mỗi thời thì ta thấy thơ trẻ hôm nay đang có những cách tân khá mạnh mẽ và đáng được ghi nhận".

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn nêu 3 gương mặt người viết trẻ gồm Chu Thùy Anh (1985, tốt nghiệp đại học ở Pháp), Nhật Phi (1991, đang học Đại học Ngoại thương), Hạnh Nguyên (1995, từng du học Canada, chuẩn bị du học Mỹ). Từ đây, anh nêu "Đặt 3 cây bút trong bối cảnh văn xuôi trẻ, nhận ra họ không những là sự gối tiếp của mạch chủ đề, mạch cảm thức đời sống mà còn tin rằng họ có thể tự làm mới bằng những tìm tòi, bút pháp riêng"... Hội Nhà văn Hà Nội nhấn mạnh trong lúc Biển Đông dậy sóng, một lực lượng người viết trẻ Hà Nội đã lên tiếng với những tác phẩm thiết thực về biển đảo, chứng tỏ mối quan tâm đến thời cuộc và vận mệnh nước nhà luôn thường trực trong họ...

Như vậy, ngoài những gương mặt đã định hình thuộc thế hệ 7X, có một số cây bút thế hệ sau đã "lọt mắt xanh" của nhà phê bình, bạn đọc trong giới. Điều đó cho thấy văn học của người viết trẻ nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những chuyển động thực sự, dẫu còn nhiều ở dạng "tiềm năng, hy vọng" và dẫu mang trong lòng những mâu thuẫn, không ít nguy cơ...

2. Nghịch lý hay cuộc chọn lọc tự nhiên?


Một nghịch lý được nhiều người thừa nhận ấy là văn trẻ trong dòng chảy hôm nay tuy thiếu vắng trên những diễn đàn chính thống, hay trong giới đọc có uy tín thì ngược lại rất nhộn nhịp ở lĩnh vực xuất bản sách. Chứng kiến hàng nghìn bạn đọc trẻ là sinh viên, học sinh đón hai tác giả 8X là Gào và Minh Nhật như đón “sao Hàn Quốc dịp mới đây ở Hà Nội mới thấy đó là một hiện tượng có thật, một mảng đời sống của người viết, người đọc trẻ hôm nay. Nhà văn Nguyễn Thế Hùng (Báo Công an nhân dân) dẫn ra một loạt đầu sách bạn chạy của các tác giả trẻ như Gào, Hamlet Trương, Iris Cao, Anh Khang... và đặt câu hỏi "Chừng đó cái tên và chừng đó cuốn sách, liệu đã có bao nhiêu nhà văn và bao nhiêu tác phẩm văn học?". Anh dẫn chứng một câu nói của chính tác giả Hà Kin "Tác phẩm của tôi chỉ là một dạng tự truyện không phải là một tác phẩm văn học". Nhà văn này cũng thẳng thắn: "Lao động nhà văn là một quá trình miệt mài, tích lũy, tìm tòi trong sáng tạo..., còn nếu chỉ chạy theo phong trào thì hình như tác giả chỉ cho ra đời những tác phẩm "á văn chương".

Cũng như vậy, nhà văn Vinh Huỳnh tạm phân chia văn học trẻ nói chung làm hai hệ là "hệ chuẩn" và "hệ quậy" đều có tính hai mặt. Trong đó hệ chuẩn gồm những người viết bài bản, hay nhưng ít nhiều có tính "đóng" khi nhân vật ít có sự phóng khoáng, giàu tưởng tượng. Còn "hệ quậy" có nhiều nhận định kiến giải thông minh, thú vị, bắt đầu có "nghiền ngẫm hiện thực" nhưng ít tính khái quát. Người đọc nhiều phen hãi hùng với những "phát ngôn bạt mạng" hay thi thoảng "phải ngả mũ chào" khi họ bê nguyên triết lý của người nổi tiếng vào tác phẩm...

Có thể thấy, dù có mặt ở hội nghị hay không, nhưng sinh hoạt văn học ý nghĩa này cho cả người viết, người đọc một cuộc ngồi lại với lực lượng viết trẻ đang xuất hiện phong phú ở Hà Nội. Sự ồn ào, sự câu khách rồi sẽ qua đi. Quy luật của sáng tạo mà các cây bút dù trẻ cũng đều thấy rõ là nhà văn phải không ngừng tự học để "không tự giết mình và giết ai cả" như lời Chế Lan Viên từng dặn con gái. Đồng thời, nói như nhà thơ Hồ Dzếnh "Anh muốn sống ở đâu, viết ở đâu cũng được nhưng phải tráng qua tý chút hơi hướng của Tràng An thì mới thành văn chương đích thực". Nghĩa là phải có "hương hoa của đất kinh kỳ" và nhà văn trẻ Hà Nội "Không chỉ viết về Hà Nội mà còn viết bằng Hà Nội".

Thi Thi