Trung thu ấm áp của những học sinh khiếm thị
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:00, 27/09/2015
Kết nối những trái tim
Theo cô Nguyễn Thu Hà, tổ trưởng tổ giáo dục chuyên biệt nhà trường, năm nay là năm thứ 3 các tình nguyện viên đến tổ chức cho các bé làm bánh Trung thu. Họ đến từ nhiều tổ chức khác nhau, một số người là bạn bè của giáo viên trong trường, một số người nghe nói đến hoạt động này và tự tìm đến. Cô Thu Hà cho biết, bánh Trung thu do các bé làm ra không chỉ để thưởng thức mà sẽ được gửi tặng các bạn vùng cao, vùng khó khăn.
Niềm vui của các học sinh khiếm thị với chiếc bánh Trung thu tự làm. |
Lịch làm bánh được thông báo vào 3 giờ chiều nhưng từ rất sớm, 8 sinh viên tình nguyện thuộc Trường Đại học Dược Hà Nội đã có mặt ở nhà ăn của các em học sinh. Mỗi người một việc, các bạn lau dọn bàn, rửa các khay bánh, chuẩn bị chu đáo mọi việc. Trần Tố Loan, sinh viên Trường Đại học Dược cho biết: "Đã nhiều lần đến Trường Nguyễn Đình Chiểu thăm các em học sinh khiếm thị, nhưng đây là lần đầu tiên em được cùng các em làm bánh Trung thu. Em rất hạnh phúc khi góp một chút công sức để Trung thu trở nên đẹp và đáng nhớ trong lòng các em". Chung cảm xúc như các bạn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Dược, càng gần giờ tổ chức, các tình nguyện viên có mặt càng đông. Mọi người tìm cho mình một vị trí phù hợp để có thể góp sức vào hoạt động có ý nghĩa này.
Chị Phương, một trong những tình nguyện viên thuộc nhóm Bông Sen cho biết: "Năm nay là năm thứ ba nhóm tình nguyện Bông Sen tổ chức làm bánh Trung thu cho các con ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Do bận bịu công việc nên các thành viên có mặt không đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng duy trì hoạt động này hàng năm. Bông Sen mong rằng với những hoạt động như thế, Trung thu của các con ở Trường Nguyễn Đình Chiểu sẽ vui hơn, đầy đủ hơn".
Đúng giờ, các bé khiếm thị của Trường Nguyễn Đình Chiểu hào hứng nắm tay nhau bước vào nhà ăn và tìm một chỗ ngồi phù hợp. Nhân bánh đủ màu sắc được chia đều vào mỗi khay. Các tình nguyện viên chẳng ai bảo ai, thay nhau lọc bột, nhào bột, phân chia khuôn bánh và sắp xếp lên bàn, chuẩn bị cho "bữa tiệc" lớn của các bé.
Nhiều tình nguyện viên mang các con đến tham dự cùng các bạn khiếm thị với mong muốn các con hiểu và thông cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay, bé Vũ Gia Uyên San (9 tuổi, Gia Lâm) rất vui khi được cùng mẹ và em gái tham gia làm bánh Trung thu cùng các bạn học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu. Vì đã nhiều lần được gặp gỡ và giao lưu cùng các bạn nên Uyên San rất tự nhiên. Thấy ai làm gì cô bé cũng bắt chước. Uyên San tự tay nhào bột, nặn nhân bánh cùng các anh chị, cô chú tình nguyện viên. Được cùng mẹ và em gái đến Trường Nguyễn Đình Chiểu bánh Trung thu với các bạn, Nguyễn Nhật Trường (12 tuổi, học sinh Trường THCS Thành Công) vô cùng hào hứng. Gặp nhau chưa lâu nhưng Trường đã thân thiết với các bạn ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Trường trò chuyện với các bạn rất lâu. Em tâm sự: "Các bạn không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng rất vui vẻ. Em rất khâm phục nghị lực của các bạn ấy. Được làm bánh cùng các bạn, em thấy ý nghĩa lắm!".
Anh Nguyễn Xuân Tuấn Anh (45 tuổi, kỹ sư xây dựng) cho biết: "Tôi nghe bạn tôi nói hôm nay có tổ chức cho các bé khiếm thị làm bánh Trung thu nên đến tham gia. Thấy các cháu khiếm thị vui vẻ, tinh nghịch và hoạt bát thế này tôi xúc động vô cùng".
Nhân lên niềm hạnh phúc
Bắt tay vào làm bánh, mỗi tình nguyện viên làm bạn với một bé. Các em sẽ được các anh chị, cô chú kể cho nghe, nhân bánh màu nâu là nhân sô cô la, nhân bánh màu xanh là nhân cốm... Các em đưa lên mũi để cảm nhận hương vị riêng của từng loại nhân và chọn cho mình thứ thích nhất. Đôi tay dò dẫm tìm bột cho vào khuôn, Trần Văn Duy, lớp 1A3 vừa bẽn lẽn, vừa tò mò khi lần đầu tiên được tự tay làm một chiếc bánh Trung thu. Duy nói: "Em vui lắm. Lần đầu tiên làm nên em thấy hơi khó. Em sẽ làm bánh Trung thu nhân sô cô la cho mình và để dành một cái cho bạn của em".
Đã được làm bánh Trung thu tại trường vào năm ngoái nên Lê Thị Thảo Vân rất thành thạo trong các khâu làm bánh. Em tìm và cho bột vào khuôn rất nhanh. Cô bé cười nói với người bạn bên cạnh suốt buổi và hướng dẫn bạn cách làm. Thảo Vân khoe: "Con đã làm được 3 chiếc bánh Trung thu rồi đấy ạ!". Anh Lê Văn Phong, bố Thảo Vân nói với tôi: "Mới sáng sớm con bé đã nhắc bố phải đưa đến trường để làm bánh với các bạn. Thế là 1 giờ chiều 2 bố con đã chạy xe từ Quốc Oai lên trên này cho kịp giờ. Tôi rất cảm ơn và xúc động trước việc làm của các thầy cô, các tình nguyện viên ở đây. Các anh chị đã cho cháu một môi trường sống vui tươi, lành mạnh. Trung thu của những đứa trẻ thiệt thòi như con gái tôi sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều".
Tại bàn ăn, các bé hí hoáy với chiếc bánh Trung thu của mình, bên góc nhà ăn, các tình nguyện viên tiếp tục nhào bột, chia bột để các bé làm được nhiều bánh hơn. Được các tình nguyện viên thông báo sẽ có thêm bột làm bánh, bé nào cũng vui. Khi những chiếc bánh của mình đã hoàn thiện, các bé được hướng dẫn xếp gọn gàng vào khay. Bé Ngô Văn Nam (13 tuổi, lớp 3A4) cứ lấy tay vuốt ve mãi chiếc bánh tự tay làm. Có lẽ, em đang cảm nhận hình dáng, màu sắc chiếc bánh Trung thu mình vừa hoàn thiện.
Sau khi những chiếc bánh được xếp gọn gàng vào khay, các bé cùng nhau thưởng thức bánh. Vừa ăn, các bé vừa trò chuyện với nhau. Nhóm các bé trai bàn luận xem bạn đang ăn là bánh Trung thu nhân đậu hay nhân cốm, bánh nhân nào ngon hơn. Nhóm các bé gái bình luận xem bánh Trung thu ai làm đẹp nhất. Các bé cười rất tươi, những đôi mắt lấp lánh niềm vui. Thấy các bé ăn bánh một cách ngon lành, các tình nguyện viên nhìn nhau cười hạnh phúc. Những chiếc bánh Trung thu do các bé khiếm thị làm ra, có chiếc vuông, chiếc dài, chiếc tròn, chiếc méo, nhưng ai cũng cảm thấy vui khi tấm lòng của tất cả đều tròn đầy.
Đôi mắt đã yếu, nhưng khi bước chân vào nhà ăn của các học sinh, cảm nhận rõ không khí vui tươi, hào hứng ở đây, thầy Phạm Văn Thắng, giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu không nén nổi xúc động: "3 năm nay, các tình nguyện viên, các cháu sinh viên tình nguyện đã tổ chức nhiều hoạt động Trung thu có ý nghĩa cho các cháu khiếm thị ở trường chúng tôi. Các tình nguyện viên còn mang các con đến để giao lưu, chia sẻ với các bạn. Học sinh khiếm thị của trường sẽ thấy mình không bị lãng quên. Các con sẽ cảm nhận được yêu thương và sự trân trọng từ mọi người và thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, sự lạc quan ở tương lai. Nhà trường chúng tôi rất xúc động và biết ơn các tấm lòng nhân ái đã đến và chia sẻ với thầy và trò nhà trường".