Hài hòa giữa bảo tồn di sản và yêu cầu phát triển mới

Xã hội - Ngày đăng : 09:09, 26/09/2015

(HNM) - Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa công bố


Một trong những nội dung đáng chú ý của quy chế này là các quy định về quản lý chiều cao, mật độ xây dựng công trình; quản lý mật độ dân số trên cơ sở quản lý quy hoạch và không gian đối với các ô phố, tuyến phố. Các biệt thự có giá trị, một trong những đặc trưng về kiến trúc của khu phố cũ Hà Nội sẽ được bảo tồn đồng thời với việc phục hồi hình thức, cấu trúc không gian tuyến phố vườn đặc trưng.

Với những quy định khá chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cũ Hà Nội không chỉ được coi là công cụ hữu hiệu cho các cơ quan chức năng trong bảo đảm trật tự đô thị, mà qua đó, người dân có thể tự "soi chiếu" để có thông tin cơ bản khi muốn xây dựng, cải tạo công trình và giám sát cơ quan quản lý. Đơn cử như khu vực quận Hoàn Kiếm, gồm nhiều tuyến phố giao cắt tạo thành ô phố với nhiều công thự, biệt thự di sản và khoảng trống cây xanh phải được bảo tồn. Như vậy, các công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn, các dãy nhà liền kề mặt phố phải được kiểm soát về chức năng, quản lý về trật tự và phải chỉnh trang để bảo đảm mỹ quan đô thị. Hay khu vực phía đông quận Hai Bà Trưng, với nhiều công trình di sản và chuỗi công viên phải được bảo tồn nên sẽ hạn chế xây mới và sẽ phải dỡ bỏ những công trình cơi nới, kiến trúc tạm trả lại cảnh quan của công trình. Tại khu vực nam Hồ Tây, giáp Trung tâm chính trị Ba Đình, công trình xây dựng có mật độ thấp để phù hợp cảnh quan tự nhiên…

Đối với chúng tôi là công dân, một vấn đề được lưu tâm hiện nay là tổ chức đồng bộ giữa bảo tồn công trình kiến trúc cổ có giá trị và việc bảo đảm an toàn khi sử dụng khi hầu hết đã xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1954. Có ý kiến cho rằng, không nên chỉ lưu tâm đến bảo tồn, giữ cho bằng được công trình mà quên đi yếu tố thời hạn sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng… Thực ra vấn đề không phải như vậy. Đương nhiên, một công trình có giá trị về mặt kiến trúc hay lịch sử phải được gìn giữ, song nếu công trình đó không còn bảo đảm về kết cấu, không bảo đảm an toàn sử dụng, có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm, luật đã quy định phải di dời khẩn cấp, lập dự án phá dỡ, xây dựng lại.

Điều đó có nghĩa, không phải giữ công trình bằng mọi giá. Giữ ở đây là bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, không để công trình bị biến dạng kiến trúc, bị cơi nới, sử dụng sai công năng làm giảm giá trị. Giữ ở đây là nếu phải phá bỏ thì khi xây lại công trình mới sẽ giữ nguyên kiến trúc, chỉ tiêu quy hoạch như công trình cũ. Theo quy chế bảo tồn biệt thự cũ có giá trị trên địa bàn TP Hà Nội, vấn đề này cũng đã được nêu rõ. Trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều biệt thự cũ, tuy nhiên qua rà soát, chỉ có khoảng 1.500 biệt thự có giá trị cần bảo tồn. Trong số này được chia thành 3 nhóm, trong đó nhóm 3 là nhóm công trình nếu phải phá đi xây lại thì không bắt buộc giữ đúng kiến trúc, chỉ cần bảo đảm các chỉ tiêu quy hoạch của khu vực. Ngoài 1.500 biệt thự trên, có không ít biệt thự không còn giá trị do quá nhiều hộ sử dụng, cơi nới, lấn chiếm khuôn viên làm biến dạng kiến trúc - không gian hoặc quá cũ… Những công trình này được phép dỡ bỏ, xây dựng lại theo quy hoạch.

Kiến trúc đô thị Hà Nội qua nhiều năm phát triển tự phát, manh mún nên nhiều công trình giá trị không được giữ gìn. Vì vậy, việc công bố quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội nói riêng và sắp tới sẽ còn nhiều đồ án tương tự nói chung theo tôi cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc giữ gìn các giá trị di sản của Hà Nội hơn 1000 năm tuổi, nhưng đồng thời cũng không quên yêu cầu phát triển đô thị bền vững trong tương lai.  

Nguyễn Anh Tuấn