Tăng trưởng xanh: Mô hình phát triển kinh tế bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 08:36, 26/09/2015

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà vài năm gần đây các quốc gia phát triển, tổ chức quốc tế thường xuyên đề cập, tổ chức sự kiện để tuyên truyền và khuyến khích các nước thực hiện tăng trưởng xanh (TTX) - mô hình phát triển kinh tế một cách bền vững, trên cơ sở sáng tạo, tiết giảm mức tiêu hao năng lượng kết hợp bảo vệ môi trường.

Bức tranh thiếu màu sáng

Được biết, đến nay cả nước còn 23% khu công nghiệp (KCN) chưa có hệ thống xử lý nước thải và tình trạng các nhà máy, cơ sở sản xuất trong KCN thải trực tiếp ra môi trường chưa được xử lý dứt điểm là việc không hiếm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước sạch, bắt buộc phải sử dụng nước không đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, địa bàn cụ thể, đặc biệt là ở khu vưc miền núi, ven biển. Từ hàng chục năm trước trở lại đây người ta đã nhận ra và bức xúc trước nạn xâm lấn, phá hoại sự trong sạch của nhiều dòng sông, dẫn đến tình trạng "sông chết", cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và suy giảm chất lượng nguồn nước ngọt. Xét trên diện rộng, nhiều diện tích đất trên phạm vi toàn quốc đã, đang suy giảm chất lượng, khiến năng suất cây trồng, vật nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề đồng thời làm cho mức đầu tư cải tạo tăng lên theo thời gian. Nhiều làng nghề trở thành hình ảnh đại diện cho sự ô nhiễm, làm hại sức khỏe con người; nhất là đối với người già và trẻ em. Nạn phá rừng, khai thác cát, nguồn nước một cách thiếu khoa học cũng là tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống dân sinh. Đã có một số vụ khiếu kiện đối với dự án trong nước cũng như đầu tư nước ngoài về vấn đề này khi sự vi phạm và hậu quả của nó vượt quá sức chịu đựng của cộng đồng, ảnh hưởng mục tiêu phát triển bền vững.

Thực trạng đáng báo động là vậy nhưng đến nay, mới có 16 tỉnh, thành phố nghiên cứu, lập kế hoạch thực hiện TTX trên cơ sở đánh giá, làm rõ đặc điểm và tình hình sản xuất, nhất là phát huy tiềm năng, hạn chế các tồn tại để triển khai thực hiện TTX trên địa bàn.

Cần vào cuộc trước khi quá muộn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu phát triển kinh tế bền vững đang được đặt ra ngày càng cấp thiết trên phạm vi toàn cầu và được nhiều quốc gia thực hiện dựa trên nền tảng TTX, trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tháng 9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về TTX, với 3 nhiệm vụ quan trọng, gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; xanh hóa sản xuất, thực hiện "công nghiệp hóa sạch" thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch hiện có, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Theo tính toán sơ bộ, để giải quyết vấn để bảo vệ môi trường gắn liền với TTX cần có 30 tỷ USD đầu tư cho giai đoạn đến năm 2020, trong đó 70% dự định được thu hút từ khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền, các ngành chức năng cần tập trung nghiên cứu, tạo ra các cơ chế, quy định để tạo điều kiện cho DN tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án, công trình xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, thu gom và xử lý nước, chất thải, làm đường nội bộ, trạm thủy điện quy mô nhỏ, phát triển nông nghiệp theo mô hình xanh, bền vững… Ngoài ra, cần kiện toàn bộ máy thực hiện công tác thanh, kiểm tra; xử phạt và xác lập chế tài đủ mạnh để bất kỳ dự án, chủ đầu tư nào cũng phải tôn trọng kỷ cương, phép nước.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng thừa nhận, việc tạo ra cơ chế phù hợp rồi đến hấp dẫn vốn của tư nhân là một quá trình và là bài toán "mở", nhưng lại phụ thuộc vào chủ trương, cách dẫn vốn của chính quyền để thu hút đầu tư. Đương nhiên, nếu không có sự minh bạch, dễ thực hiện, nhất là sự rõ ràng về hành lang pháp lý và quyền lợi thì sẽ rất khó thuyết phục tư nhân bỏ vốn vào các dự án thuộc lĩnh vực TTX.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, TTX là lựa chọn tất yếu nhằm phát triển kinh tế bền vững, nếu không thực hiện ngay sẽ muộn và nảy sinh hậu quả. Các địa phương, đơn vị cần nắm bắt chủ trương tăng trưởng gắn liền với yêu cầu bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và từng bước hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch kết hợp thực hành sản xuất nông nghiệp sạch thông qua những mô hình phù hợp. Thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định để tạo điều kiện cho việc xã hội hóa đầu tư thực hiện các dự án TTX, nhất là việc xử lý chất thải, chế biến rác, xây dựng công trình cấp, thoát nước, thủy lợi và chủ động chống biến đổi khí hậu.

Hồng Sơn