Kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt: Thiếu sự phối hợp đồng bộ
Giao thông - Ngày đăng : 08:29, 26/09/2015
Trước tiên, phải xác định rõ, đường sắt là một trong những loại hình vận tải an toàn. Tai nạn, sự cố do yếu tố kỹ thuật, lỗi chủ quan của người lái tàu rất thấp. TNGT đường sắt thường được nhắc tới thực chất là TNGT "liên quan" đến đường sắt, do va chạm tại các điểm đường bộ giao cắt với đường sắt mà cơ quan chức năng tạm gọi là đường ngang. Song, ngay cả với nhận thức như vậy, việc giải quyết TNGT liên quan đến đường sắt rất cần có sự tham gia của nhiều cấp, ngành, đặc biệt là ngành Đường sắt.
Chấp hành tốt Luật Giao thông Đường bộ - đường sắt sẽ góp phần giảm tối đa tai nạn giao thông đường sắt. |
Trên địa bàn Hà Nội, mạng lưới đường sắt khá đa dạng với 5 tuyến hướng tâm, 1 tuyến vành đai phía Tây có tổng chiều dài 160km. Hạ tầng đường sắt trên địa bàn thành phố khá lạc hậu, chưa có hành lang riêng và hầu hết giao cắt đồng mức với các tuyến giao thông đường bộ, các chỉ tiêu kỹ thuật đạt thấp. Ngoài ra, hệ thống thông tin liên lạc còn lạc hậu, riêng tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chạy sát với quốc lộ 1A, nhưng cao hơn mặt đường bộ, tạo độ dốc lớn (có nơi 40-50%). Với các yếu tố trên, Giám đốc Sở GT-VT TP Hà Nội Vũ Văn Viện đánh giá: Tình hình ATGT đường sắt trên địa bàn hết sức phức tạp. TNGT liên quan đến đường sắt lại càng "nóng" khi trên địa bàn có đến 584 đường ngang qua đường sắt, trong đó chỉ có 181 đường ngang hợp pháp. Trong số 181 đường này có 78 vị trí có người gác, số còn lại có bố trí cảnh báo tự động (69 vị trí) hoặc biển báo (34 vị trí). 403 vị trí giao cắt với đường sắt khác được mở tự phát, chưa được cấp có thẩm quyền chấp nhận...
Số đường ngang giao cắt đã nhiều, nhưng điều kiện bảo đảm ATGT còn nhiều hạn chế. Đại diện Sở GT-VT thành phố cho biết, số đường ngang lắp thiết bị cảnh báo tự động chưa nhiều, lại thiếu ổn định, không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng. Tốc độ phát triển của các khu đô thị, dân cư khiến cho mật độ phương tiện qua đường ngang tăng nhanh, trong khi phương thức quản lý, cảnh giới tại các đường ngang ít có sự thay đổi cho phù hợp. Điều đó dẫn đến đường ngang không bảo đảm an toàn chiếm tỷ lệ cao, với các hạn chế như chưa bảo đảm tầm nhìn, góc giao nhỏ, trang thiết bị lạc hậu hoặc có nhưng không ổn định... Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt. Những yếu tố đó là một phần nguyên nhân dẫn đến TNGT đường sắt tăng trong 6 tháng đầu năm 2015 với 15 vụ, làm 11 người chết, 5 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2014 tăng 2 vụ, giảm 3 người chết, tăng 3 người bị thương). Có những vụ TNGT liên quan đến đường sắt trên địa bàn gây hậu quả rất đáng tiếc như vụ tai nạn ngày 22-7, tại khu vực chùa Tứ Kỳ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) làm một người ngồi trên ô tô tử vong...
Thực trạng đáng lo là thế nhưng để tìm giải pháp tổng thể, lâu dài lại còn nhiều vướng mắc. Vướng mắc lớn nhất dường như lại nằm ở chỗ sự phối hợp, tham gia của các ngành, cấp liên quan. Có lẽ xuất phát từ nhận thức, TNGT "liên quan đến đường sắt" mới phức tạp chứ TNGT đường sắt hiếm xảy ra nên ngành Đường sắt cho rằng trách nhiệm chính thuộc về địa phương - nơi quản lý hệ thống đường bộ giao cắt với đường sắt. Đại diện lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, quận đã chủ động đề nghị phối hợp với ngành Đường sắt để bảo đảm ATGT nhưng chưa được sự hưởng ứng thích đáng. Mặt khác, việc hoàn thiện hệ thống kỹ thuật liên quan đến đường ngang, cụ thể như đèn, chuông, hạ tầng đoạn giữa 2 thanh ray hay việc trao đổi thông tin - tín hiệu không thể thiếu trách nhiệm của ngành.
Cả nước có 3.000km đường sắt với khoảng 6.000 đường ngang. Ba năm gần đây đã xảy ra gần 700 vụ TNGT liên quan đến đường sắt làm hơn 600 người chết, cho thấy ATGT tại các đường ngang phức tạp nhiều năm chưa được cải thiện. Đáng tiếc là nhận thức về trách nhiệm đối với ATGT đường sắt có địa phương, có ngành còn chưa đúng mức, khiến cho việc thực hiện các giải pháp, biện pháp thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Nếu không gỡ được "nút thắt" này, chưa biết khi nào ATGT liên quan đến đường sắt mới thôi ám ảnh.