Tết Trung thu ở Hàn Quốc

Giới trẻ - Ngày đăng : 08:13, 26/09/2015

(HNM) - Cũng như một số nước, Trung thu ở Hàn Quốc rơi vào ngày 15 tháng Tám âm lịch. Theo tiếng Hàn, Trung thu được gọi là Chuseok (thu tịch, nghĩa là buổi tối mùa thu) hoặc là Hangawi.


Chuseok là thời điểm mà cái nóng của mùa hè đã dịu đi và không khí mát mẻ của mùa thu đã đến. Sau bao công lao chăm sóc ruộng đồng từ mùa xuân đến mùa hè, Chuseok là thời điểm sắp thu hoạch lúa gạo và có nhiều hoa trái. Vì vậy, thời điểm Chuseok được coi là thời điểm no đủ, thừa thãi. Người Hàn có câu tục ngữ "trong 1 năm, 12 tháng, 365 ngày chỉ cần được như Hangawi, không cần hơn, không cần kém" với ý nghĩa mong muốn trong một năm lúc nào cũng no đủ và an nhàn như Chuseok.

Ngày xưa, trong ngày Chuseok, người Hàn mặc Hanbok (y phục truyền thống của Hàn Quốc) mới và đẹp (gọi là Chuseokbim) để làm lễ thờ cúng tổ tiên và đi chơi lễ hội. Trẻ con thích thú khi được bố mẹ mua cho Hanbok mới, người đầy tớ cũng rất vui khi được gia chủ tặng Hanbok mới. Nên ai ai cũng mong chờ ngày Chuseok để nghỉ ngơi, vui chơi và mặc quần áo mới.

Trẻ em Hàn Quốc mặc Hanbok chơi trò chơi trong ngày Chuseok.


Món ăn truyền thống trong ngày Chuseok là bánh Songpyeon được làm bằng bột gạo với nhiều loại nhân được chế biến từ đậu đỏ, đậu xanh, hạt dẻ, táo tàu, vừng, mật ong... Thông thường, cả gia đình quây quần làm bánh Songpyeon vào tối hôm trước Chuseok (ngày 14 tháng Tám âm lịch). Người Hàn quan niệm ai làm bánh Songpyeon đẹp thì sẽ lấy vợ hoặc chồng đẹp, ai làm bánh xấu thì sẽ lấy vợ hoặc chồng xấu nên những người chưa lập gia đình luôn cố gắng nặn bánh cho thật đẹp. Người phụ nữ có thai muốn biết giới tính của con mình thì đặt trong nhân bánh một cái kim hoặc một đoạn lá thông. Khi ăn, nếu cắn vào phía đầu kim hoặc đầu gắn vào của đốt lá thông thì người đó sinh con gái, còn nếu cắn vào đầu nhọn của kim hoặc đầu nhọn để gắn vào của đốt lá thông thì người đó sinh con trai.

Trong tết Chuseok, người Hàn còn làm rượu Singokju (rượu được nấu bằng gạo nếp mới) để đãi họ hàng và khách quý. Món nhắm khoái khẩu của người Hàn là thịt gà. Hằng năm, vào mùa xuân, người Hàn thường nuôi gà con của giống gà Hoàng Kê (gà lông vàng) để đến Chuseok có thịt gà ăn. Vào buổi sáng Chuseok, người Hàn bày hoa quả, rượu nếp mới Singokju, bánh Songpyeon và các món ăn để cúng tổ tiên ở từ đường họ hoặc ở gia đình mình. Sau khi ăn cơm với các món ăn đã cúng, cả gia đình đi thăm mộ tổ tiên. Vài ngày trước Chuseok, mấy người trong gia đình đã đến mộ để dọn cỏ dại và sửa sang cho gọn gàng. Ở xứ Kim chi, chăm sóc mộ phần được coi là một việc đặc biệt quan trọng, thể hiện đạo hiếu và nghĩa vụ của con cháu với tổ tiên.

Vào Chuseok, người Hàn không vướng bận việc gì, cảm thấy thoải mái nên họ hăng hái tham gia các trò chơi truyền thống như: Gamassaum (đấu kiệu), Sossaum (đấu bò), Someoki (cho bò ăn), Geobuk (rùa), Ganggangsulle... Nếu các trò chơi dân gian Rằm tháng Giêng có ý nghĩa mong ước về một năm mới an lành, bội thu thì các trò chơi dịp Chuseok có ý nghĩa cảm ơn về mùa màng trong năm và thể hiện mong muốn sẽ được thu hoạch suôn sẻ trong một vài tuần tới. Trò chơi dân gian Chuseok đóng vai trò lớn trong việc củng cố cộng đồng làng xã và gìn giữ truyền thống dân tộc.

Gamassaum là trò chơi đấu kiệu của học sinh thư đường xưa. Trước Chuseok nhiều ngày, học sinh chuẩn bị làm kiệu và cờ rồi tập khênh kiệu và cầm cờ. Đến ngày Chuseok, họ khênh kiệu đi khắp làng để kêu gọi dân làng đến cổ vũ nên rất nhiều người kéo đến xem. Các học sinh khênh kiệu chạy vòng quanh hay đột nhiên chạy thẳng, lùi ra sau miễn là cướp kiệu hoặc phá nát kiệu của đối phương và cướp được nhiều cờ để giành chiến thắng. Còn Sossaum là trò chơi đấu bò phổ biến ở vùng Gyeongsangnam-do (tỉnh phía Nam Hàn Quốc). Luật của Sossaum là nếu bò quỵ đầu gối, bị ngã, hoặc bị đẩy thì thua. Thời xưa, bò của gia đình giành chiến thắng là một niềm tự hào rất lớn nên nông dân chú ý chọn con bò thật khỏe, có tư chất để chăm sóc, nuôi nấng thành bò đấu vật từ khi bò còn là bê con.

Someoki là trò chơi cho bò ăn. Hai người chui vào một hình nộm con bò thật to được làm bằng rơm, người đi trước cầm hai cái que để dựng sừng bò lên, còn người đi sau tay cầm một cái dây thừng đung đưa biểu hiện đuôi con bò đang ve vẩy. Một người nông dân cầm dây buộc một đầu vào con bò và dắt đi khắp làng, khi đến nhà ai thì hô to "Bò đang đói bụng, xin gia đình một chút nước và đồ ăn". Các gia đình tiếp đãi bò rất niềm nở với nhiều món ăn ngon. Đây là trò chơi thể hiện ước mong mùa màng thuận lợi, bội thu.

Ở xứ Kim chi, bò là con vật được yêu quý vì chúng rất cần thiết nhất là với gia đình làm nghề nông (Hàn Quốc không có trâu như Việt Nam), là tiêu chuẩn đánh giá giàu sang, là biểu tượng của sự cần mẫn và khỏe mạnh. Ở trò chơi này, người ta có thể thay hình nộm con bò thành hình nộm con rùa (gọi là trò chơi Geobuk, trò chơi rùa) với cái lưng rộng 3x5m vì theo quan niệm, rùa là con vật sống trường thọ, mang lại phúc lộc cho gia đình. Hơn nữa, rùa được coi là thủy thần, mà nước là yếu tố rất cần thiết cho nghề nông nên cùng với bò, rùa cũng là con vật rất được coi trọng. Trò chơi Someoki hay Geobuk được diễn ra trong vài ngày, dân làng rất thích thú và mong con bò hay rùa đến nhà mình để mang may mắn đến cho gia đình. Cuối cùng, Ganggangsulle là trò chơi múa hát tập thể dành cho phụ nữ. Các phụ nữ vừa đồng thanh hát bài Ganggangsulle, vừa nắm tay nhau thành hình tròn, nhảy múa và chơi trò chơi.

Cùng với sự phát triển của xã hội, ở nhiều địa phương trò chơi dân gian đã rơi vào quên lãng. Hiện nay, Hàn Quốc đang cố gắng khôi phục, gìn giữ văn hóa cổ cũng như giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào về truyền thống dân tộc.

Ngày nay, Chuseok và tết Nguyên đán là hai ngày lễ lớn nhất Hàn Quốc. Người dân được nghỉ chính thức 3 ngày vào hai ngày lễ này. Chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, nông dân lên thành phố học tập, làm việc nhiều nên dân số tập trung chủ yếu ở Seoul và các thành phố lớn. Chuseok là cơ hội hiếm hoi để họ được về thăm quê. Vào Chuseok, người dân từ thành phố đổ xô về quê, hiện tượng này được ví là "cuộc đại di động". Giao thông tắc nghẽn trong nhiều ngày. Đoạn đường 1 tiếng ô tô có thể mất đến 4 hoặc 5 tiếng cho nên rất nhiều người chọn giờ về quê vào ban đêm hoặc sáng sớm. Còn những người chọn phương tiện giao thông công cộng là xe buýt hay tàu thì phải đặt vé từ hàng tháng trước.

Theo thống kê mới nhất, Hàn Quốc có dân số khoảng hơn 48,58 triệu người. Dân số Seoul và các thành phố vệ tinh là gần 23,83 triệu người, chiếm 49,1% dân số cả nước. Trong tết Chuseok, những người ở lại thành phố chủ yếu là những người sinh ra ở đây hoặc những gia đình đã chuyển cả lên thành phố, còn đa phần là về quê thăm gia đình. Nên vào Chuseok, ở các thành phố lớn người dân đi lại lác đác, giao thông thông thoáng, cửa hàng và quán ăn phần lớn đóng cửa vì các chủ quán cũng phải về quê. Cả thành phố trở nên vắng vẻ yên tĩnh, chứ không sôi động, nhộn nhịp như các ngày khác trong năm.

Giờ đây, Chuseok được coi là ngày đoàn tụ ở quy mô gia đình hơn là ngày lễ hội với quy mô làng như xưa. Thông thường, cả gia đình tụ họp tại nhà bố mẹ (đằng nội), nếu bố mẹ mất thì tụ họp tại gia đình người anh cả. Họ làm đồ ăn để cúng tổ tiên và hàn huyên tâm sự sau bao ngày không gặp mặt. Ngày nay, đối với nhiều gia đình, ngày Chuseok và tết Nguyên đán là hai cơ hội mà tất cả các thành viên họp lại cùng một chỗ để chia sẻ thời gian vui vẻ bên nhau.

Trần Thị Thúy Vân (Đại học Quốc gia Seoul)