Những vấn đề đặt ra khi số hóa truyền hình
Công nghệ - Ngày đăng : 07:31, 25/09/2015
Mở rộng đối tượng hỗ trợ
Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng 30 quận, huyện, thị xã điều tra hiện trạng phương thức thu xem truyền hình đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng gia đình chính sách, người có công để hỗ trợ đầu thu truyền hình số. Cụ thể, việc điều tra được thực hiện tại 146.243 hộ gia đình thuộc diện trên, thì có tới 107.357 hộ sử dụng anten thu tín hiệu tương tự (analog).
Theo quy định, ngân sách nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, nhưng Hà Nội muốn hỗ trợ các gia đình chính sách là gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam. Như vậy, số hộ gia đình cần hỗ trợ đầu thu là 107.357 hộ (thay vì phương án chỉ có 61.816 hộ nghèo và cận nghèo như quy định).
Theo tính toán, việc thực hiện số hóa truyền hình trên địa bàn Hà Nội bảo đảm đúng tiến độ. Ảnh: hải anh |
Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa Bộ TT-TT và UBND TP Hà Nội về triển khai đề án số hóa truyền hình vừa tổ chức, có một vấn đề đặt ra đó là nếu không sớm gấp rút tiến độ thực hiện các khâu, việc lắp đặt đầu thu số cho các hộ gia đình được hỗ trợ có thể bị chậm. Theo kinh nghiệm của việc mua sắm đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo tại địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng khi cần tới lượng lớn đầu thu nhưng lại thực hiện đấu thầu khiến DN không kịp tiến độ, vì vậy Hà Nội nên chọn phương án chỉ định thầu.
Vì nếu chỉ định thầu, thành phố chỉ cần đăng ký số lượng để DN sản xuất và lắp đặt thiết bị cho các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ số hóa. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND thành phố đã đề nghị Bộ TT-TT hỗ trợ kinh phí mua đầu thu cho hộ nghèo như quy định sẽ được thực hiện bằng tiền mặt và để đẩy nhanh tiến độ, Hà Nội sẽ ứng vốn trước để mua đầu thu vì nếu đợi ngân sách có thể bị chậm. Ngoài ra, với các đối tượng gia đình chính sách mà Hà Nội muốn hỗ trợ, thành phố cũng đã có phương án hỗ trợ đầu thu bằng các nguồn ngân sách, xã hội hóa, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục để báo cáo Thường trực Thành ủy càng sớm càng tốt.
Cần đơn giá truyền dẫn phát sóng
Để thực hiện lộ trình số hóa, Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình Đồng bằng sông Hồng - ĐBSH (RTB) được thành lập với sự tham gia của Công ty Hanel và 14 đài phát thanh, truyền hình khu vực ĐBSH, trong đó có Đài Phát thanh - truyền hình Hà Nội và Hải Phòng. Đây cũng là một trong 2 đơn vị truyền dẫn phát sóng lớn của khu vực (cùng với Công ty SDTV ở khu vực Nam Bộ). RTB được Bộ TT-TT cấp phép kênh tần số 48 để thiết lập mạng đơn tần cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng tại 14 tỉnh (đang phát thử nghiệm tại Hà Nội).
Tuy nhiên, dù khi thành lập, RTB được 14 đài phát thanh - truyền hình cam kết hợp tác để truyền dẫn phát sóng các kênh của truyền hình địa phương lên sóng RTB, nhưng theo đại diện công ty thì việc triển khai hạ tầng ở các tỉnh khó khăn. Hiện, RTB mới khảo sát địa bàn 14 tỉnh, thành phố này và nếu các "nhà đài" 14 địa phương khu vực ĐBSH không cùng chia sẻ hợp tác truyền dẫn, thì việc triển khai hạ tầng là rất khó khăn và tốn kém kinh phí. Cũng theo đại diện RTB, một nguyên nhân khiến việc hợp tác (dù đã cam kết khi thành lập) là có sự cạnh tranh mạnh ở thị trường truyền dẫn phát sóng và các đài phát thanh, truyền hình này cũng đang cân nhắc, lựa chọn đối tác làm truyền dẫn phát sóng…
Vì vậy, đại diện RTB kiến nghị Bộ TT-TT phối hợp đề xuất Bộ Tài chính ban hành đơn giá truyền dẫn phát sóng các kênh truyền hình để doanh nghiệp có cơ sở hợp tác ký kết khi làm việc với các "nhà đài". Trả lời vấn đề này, đại diện đơn vị chức năng của Bộ TT-TT và lãnh đạo Bộ TT-TT ủng hộ cần thiết phải sớm ban hành đơn giá truyền dẫn phát sóng, tuy nhiên trong thời gian xem xét, thì các bên có thể áp dụng mức giá tạm thời. Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng yêu cầu hai công ty truyền dẫn phát sóng khu vực ĐBSH và Nam Bộ cần thống nhất đề xuất trình Bộ về mức giá truyền dẫn để Bộ TT-TT và Bộ Tài chính xem xét.
Với những tồn tại như đã đặt ra, chắc chắn Hà Nội và Bộ TT-TT sẽ sớm có biện pháp tháo gỡ (nếu vướng về cơ chế chính sách) và như vậy thì tiến độ ngắt sóng analog tại Hà Nội sẽ không bị ảnh hưởng. Được biết, lãnh đạo thành phố cũng đã khẳng định Hà Nội sẽ thực hiện số hóa truyền hình đúng tiến độ.